(ANTV) - Sự kiện Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất 0% là một dấu mốc cho quá trình cạnh tranh của ngành mía đường thời gian gần đây nhất.
Sự việc nóng hơn khi Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đăng đàn thẳng thắn chỉ ra những vấn đề nội tại của ngành mía đường, và ngay lập tức Hiệp hội mía đường đã lên tiếng phản bác, thậm chí còn cho rằng, nếu để Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu đường với thuế 0% thì ngành mía đường trong nước sẽ chết.
Có mặt tại nhà máy đường Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa trong khi vấn đề tranh cãi giữa Hiệp hội mía đường và Bộ Công thương xoay quanh đề xuất cho Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất 0% vẫn chưa được lắng xuống.
Ông chủ của nhà máy đường Lam Sơn bình tĩnh và khẳng định không ảnh hưởng gì đến việc sản xuất của nhà máy. Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc nhà máy đường Lam Sơn, ông Lê Văn Tam cho biết: Tôi khẳng định chúng ta thừa sức cạnh tranh với các nhà máy đường của thế giới khi nhà nước bảo thôi, làm đường để xuất khẩu. Ngay chúng tôi đây cũng muốn nhập khẩu đường để tinh luyện để hạ giá thành cũng không được, phải qua quota mà người ta có cấp cho mới được, chứ mình có quyền gì mà đi nhập được. Mở cửa thì hoàn toàn không lo cái gì hết.
Việc Bộ Công thương đề xuất nhập 50.000 tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai với thuế suất 0% không phải là điều quá lo lắng. Bởi thị trường tiêu thụ đường trong nước còn rất lớn.
Ông Lê Thế Minh, Tổng giám đốc nhà máy đường Việt – Đài chia sẻ “Đài Loan hiện có thuế nhập khẩu đường là 17%, song ngành đường của nước này không thể cạnh tranh được với đường Thái Lan và khu vực vì giá quá rẻ. Dẫn đến việc nông dân bỏ mía, đã khiến 10/12 nhà máy đường đã phải đóng cửa". Song ông vẫn lạc quan với chính sách nông nghiệp của VN.
Tổng giám đốc nhà máy đường Việt – Đài, ông Lê Thế Minh nói rõ hơn: Các bạn phải thấy là chính sách của Thái Lan là bán đường trong nước đắt, nhưng đường nhập khẩu lại rất rẻ, để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Cũng chính vì thế nên nước chúng tôi dù đánh thuế tới 17% mà cũng không thể cạnh tranh được, nông dân bỏ mía, nhà máy ngừng sản xuất và sắp tới ở Đài Loan sẽ không còn nhà máy đường nào nữa. Nhưng Đài Loan là nước công nghiệp, nông dân bỏ trồng mía vì có ngành nghề khác đem lại thu nhập cao hơn. Còn VN là nước nông nghiệp.
Hiện nay, giá mà các nhà máy mua mía cho người nông dân VN được coi là cao hơn so với các nước trong khu vực. Nếu không còn bảo hộ, tất nhiên các nhà máy sẽ vận hành theo quy luật thị trường, giá mía sẽ có thể còn giảm sâu. Điều đó buộc cả nhà máy lẫn người nông dân phải có sự thay đổi trong việc sản xuất.
Ông Lê Thế Minh, Tổng giám đốc nhà máy đường Việt – Đài khẳng định: Không bảo hộ chắc chắn nhiều nhà máy đường của VN sẽ chết, nhiều nông dân cũng bỏ mía nhưng tôi xin nhắc lại điều kiện sản xuất đường ở Việt Nam khác với Thái Lan, tuy nhiên hiện nay hầu như nước nào trên thế giới cũng đều có chính sách bảo hộ cho ngành nông nghiệp của nước mình. Việt Nam cũng cần cân nhắc kỹ.
Đường là 1 trong 4 mặt hàng chúng ta kiên quyết bảo vệ khi gia nhập WTO, tuy nhiên khi hội nhập sâu rộng thì việc bảo hộ sẽ rất khó khăn. Nhà máy đường Lam Sơn đã tính đến việc nhập đường thô của các nước khác về để tôi luyện thì giá thành sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên nếu điều đó xảy ra thì hàng vạn hộ dân trồng mía sẽ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với nguyên liệu sản xuất đường trong khu vực.
Mía nguyên liệu nguy cơ chưa từng có
Tại những cánh đồng mía, người nông dân vất vả chăm, trồng chỉ đợi đến ngày thu hoạch. Vậy mà mấy năm gần đây cứ đến mùa thu hoạch là người nông dân lại cứ lo nhiều hơn mừng, lo bởi giá mía không những thấp, mà nhà máy đường còn kén mua, trong khi số tiền và công sức đầu tư vào trồng mía là không hề nhỏ.
Bà Lê Thị Dung người dân huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho hay: Một sào được có ba tấn, nếu trữ lượng đường cao thì mía còn được 8 trăm 50 đồng/kg. Nếu trữ lượng đường không đủ thì chỉ 5 trăm đồng/kg. Mà một sào thì được có 3 tấn. 3 tấn thì được hơn 1 triệu, mà tiền đất mất 1 triệu rồi.Tiền phân nữa, thế là tiền công cũng chẳng có.
Huyện Thọ Xuân là vùng trồng mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy mía đường Lam Sơn. Trước đây, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn thu mua giá mía nguyên liệu với mức giá sàn là: 1.050.000đ/tấn và giá 1,2 triệu đồng/tấn với trữ lượng đường 10. Tuy nhiên, sang năm 2012, giá mua của Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn hạ xuống mức giá sàn là 900.000đ/1 tấn và 950.000đ/1 tấn với trữ lượng đường 10. Đặc biệt, mấy năm gần đây, giá mía lại tiếp tục giảm, khiến người nông dân dường như không có lãi.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Người dân chúng tôi nói là mua bán một bề. Nghĩa là ở ruộng là sản phẩm của chúng tôi, nhưng lên xe là sản phẩm của nhà máy. Lên đó thì trữ lượng đường bao nhiêu, giá bao nhiêu thì báo qua phiếu thì chúng tôi cũng biết thế thôi. Cũng đã có nhiều năm nhà máy nhiều năm không đến mua khiến mia khô đầy đồng, chúng tôi mất trắng.
Do không có lãi, hiện nhiều người nông dân tại Thanh Hóa lựa chọn cây trồng khác thay thế cho cây mía để cải thiện nguồn thu nhập.
Xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa là nơi được quy hoạch để trông mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy đường Lam Sơm.
Tuy nhiên chứng kiến nhiều năm người dân khốn đốn vì mía mất giá, Lãnh đạo ở xã Xuân Lập cũng đã tính đến phương án tìm giống cây trồng khác thay thế.
Ông Đỗ Đông Chuyên, cán bộ xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nguồn nguyên liệu mía cung cấp cho nhà máy đường Lam Sơn hai năm nay không đáp ứng được việc thu mia cho nhân dân. Cho nên xã đã có chủ trương triển khai chuyển sang trang trại chăn nuôi gia cầm, hoặc chuyển sang trồng giống cây khác. Như cây mắc ka đã được khuyến cáo trồng.
Không chỉ xã Xuân lập, mà hàng chục năm qua, cây mía đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của nhiều hộ nông dân ở các huyện trung du miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên khi cây mía không còn đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ nông dân...thì lãnh đạo ở các vùng đất này cũng phải tính đến phương án thay đổi cách thức sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hùng, phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa nói: Trồng mía phụ thuộc vào đầu tư, vào giá mà giá xuống thấp thì chúng tôi phải thu hẹp diện tích cũng như chuyển sang trồng các giống cây khác đem lại thu nhập cao hơn.
Hiện nhiều diện tích chuyên canh mía của Thanh Hóa đã chuyển sang chăn nuôi hay các loại cây trồng khác. Tuy nhiên chưa thể khẳng định là người trồng mía sẽ khấm khá hơn từ việc chuyển đổi này nhưng có một điều chắc chắn rằng, việc sản xuất tự phát đang phát triển mạnh mẽ tại vùng mía nguyên liệu ở tỉnh Thanh Hóa.
Bảo hộ- suy cho cùng cũng chỉ nhằm mục đích bảo vệ sức cạnh tranh. Nhưng bảo hộ theo khái niệm của nhiều năm trước,có thể sẽ không còn phù hợp trong bối cảnh mới, bối cảnh của sự hội nhập, của giao thương, dĩ nhiên là cả sự cạnh tranh song phẳng. Sự đào thải, sang lọc sẽ là điều tất yếu.
Năm 2015, một năm đánh dấu những mốc quan trọng của hàng loạt hiệp định thương mại, điều này đang đặt ra những thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi, mạnh mẽ hơn là phải lột xác, chứ bảo hộ không thể là giải pháp lâu dài. Bài học và thực tiễn của ngành mía đường có thể cũng dược nhìn thấy phảng phất trong các lĩnh vực khác khi nhiều năm qua được bảo hộ được ưu đãi nhưng vẫn chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.