Người mua nhà đất tại TP.HCM sẽ dễ dàng “check” thông tin quy hoạch bằng điện thoại

Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM được giao nhiệm vụ phải làm xong phần mềm để người dân sử dụng điện thoại thông ...

Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM được giao nhiệm vụ phải làm xong phần mềm để người dân sử dụng điện thoại thông minh tìm hiểu mọi thông tin về quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất ở mọi nơi.

TP.HCM tiếp tục "kê thuốc" để hạ nhiệt "cơn sốt ảo" đất nền vùng ven - Ảnh: Huyền Trâm.



Tại buổi họp bàn về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 5 tháng đầu năm 2017, hiện tượng giá đất sốt ảo thời gian qua đã được lãnh đạo Thành phố đề cập, mổ xẻ để tìm hướng giải quyết. Lãnh đạo Thành phố đánh giá tình hình đã được chấn chỉnh với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng đây là bài học sâu sắc cho thành phố, về tính công khai minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất phải luôn được bảo đảm.

Theo Phó Chủ tịch phụ trách khối giao thông đô thị, có hai việc phải gấp rút thực hiện là công khai quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất đến tận các quận huyện, xã phường. Đó vừa là trách nhiệm của ngành tài nguyên môi trường, quy hoạch kiến trúc và cả các quận huyện.

Theo đó, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu đến cuối năm nay, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải làm xong phần mềm để người dân sử dụng điện thoại thông minh tìm hiểu mọi thông tin về quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất ở mọi nơi. Từ đó, hạn chế nguy cơ bị lừa đảo, thổi giá khi giao dịch nhà đất.

Trước đó liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã kiến nghị lên Bộ Xây dựng, TP.HCM và các cơ quan liên quan các giải pháp cho tình trạng “làm xiếc” giá nhà đất tại TP.HCM, nhất là đất nền vùng ven.

HoREA cho rằng đối tượng của hiện tượng đất sốt ảo là đất nền do hoạt động tách thửa, phân lô theo Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014; hoặc đất thổ vườn trong các khu dân cư nông thôn ở các quận ven và các huyện ngoại thành; thậm chí có cả trường hợp một số khu đất nông nghiệp cũng bị phân lô bán giấy tay trái pháp luật.

Theo đó, hiệp hội này đề nghị lãnh đạo thành phố công bố rõ những thông tin liên quan tới chủ trương chuyển đổi huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận, thành lập tổ chức hành chính thành phố trong thành phố ở khu Đông, khu Nam, khu Tây thành phố. Cũng như thông tin chính thức về các dự án “khủng” ở các huyện Củ Chi, Cần Giờ… vốn là cơ hội cho giới cò nhà đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.

Cơ quan này đề nghị UBND thành phố sớm ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014 của UBND thành phố quy định về diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa, tạo điều kiện cho các hộ gia đình đông người có nhu cầu tách thửa ra riêng, nhưng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh trường hợp bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thực hiện tách thửa, phân lô bán nền tràn lan.

Đồng thời đề nghị UBND thành phố chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của giới đầu nậu, cò đất hiện đang hoạt động với tư cách cá nhân không có đăng ký kinh doanh, có trường hợp nấp bóng người chủ đất, hoặc nấp bóng doanh nghiệp để kinh doanh bất động sản với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn thuế, né thuế, trong lúc theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì hoạt động mua bán đất nền cũng là hoạt động kinh doanh bất động sản phải có đăng ký kinh doanh, phải có vốn pháp định…

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua TP.HCM liên tiếp có những động thái vào cuộc nhằm hạ nhiệt cơn sốt ảo nhà đất trên địa bàn Thành phố.

Từ thông tin chính thức “bác” chủ trương 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè sẽ lên quận; giao Sở Tài nguyên môi trường hoàn thiện dự thảo thay thế Quyết định 33; đến yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra việc làm giá nhà đất.       

HUYỀN TRÂM

Nguồn: Bizlive