Hiện nay các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đã chính thức bước vào vụ ép mới 2020 – 2021. Năm nay giá mía tăn...
Hiện nay các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đã chính thức bước vào vụ ép mới 2020 – 2021. Năm nay giá mía tăng cao hơn, thêm vào đó nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất mía cũng đạt cao, vì vậy bà con đang rất phấn khởi, kỳ vọng sẽ có được mùa mía ngọt để bù đắp lại những năm vừa qua ngành mía đường lao đao do giá cả giảm thấp, thời tiết không thuận lợi.

Những ngày này gia đình bà Hảo cũng như nhiều nông dân trồng mía khác của xã Pờ Tó, huyện Ia Pa đang bắt đầu công tác thu hoạch niên vụ mía mới. Ngoài diện tích trồng cũ, năm nay gia đình bà Hảo còn trồng mới thêm 8ha, dự kiến năng suất đạt bình quân 80 tấn/ha, cao hơn so với bình quân chung đối với mía trồng mới ở nhiều vùng khác. Sở dĩ năng suất đạt cao như vậy là nhờ năm nay Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai – đơn vị đầu tư vùng nguyên liệu mía ở khu vực phía Đông Nam của tỉnh đã đưa ra các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho người trồng mía mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác như: Cày ngầm cải tạo, nâng cao tầng đất canh tác, thử nghiệm các loại giống mía mới, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, bón phân đến thu hoạch. Những ngày này gia đình bà Hảo cũng như nhiều nông dân trồng mía khác của xã Pờ Tó, huyện Ia Pa đang bắt đầu công tác thu hoạch niên vụ mía mới. Ngoài diện tích trồng cũ, năm nay gia đình bà Hảo còn trồng mới thêm 8ha, dự kiến năng suất đạt bình quân 80 tấn/ha, cao hơn so với bình quân chung đối với mía trồng mới ở nhiều vùng khác. Sở dĩ năng suất đạt cao như vậy là nhờ năm nay Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai – đơn vị đầu tư vùng nguyên liệu mía ở khu vực phía Đông Nam của tỉnh đã đưa ra các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho người trồng mía mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác như: Cày ngầm cải tạo, nâng cao tầng đất canh tác, thử nghiệm các loại giống mía mới, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, bón phân đến thu hoạch.
Bà Đinh Thị Hảo, Thôn 4, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa chia sẻ: “Toàn bộ diện tích mía của gia đình tôi là thực hiện cày ngầm, bón phân bằng cơ giới hóa. Cây mía phát triển rất tốt. Bình quân cả mía tơ, mía gốc đạt 80 tấn/ha. Cao hơn cũng là nhờ mình chuyển đổi cơ giới hóa cày ngầm bón phân…tăng 10 tấn/ha. Nói chung năm nay ảnh hưởng của thời tiết thì đầu vụ mưa thuận, nhưng giữa mùa do mưa bão cũng có đổ ngã nhưng cũng không ảnh hưởng gì lắm”
Không những đạt năng suất mà bà con nông dân cũng rất phấn khởi vì giá mía nhà máy thu mua năm nay là 850 ngàn đồng/ tấn, cao hơn 50 ngàn đồng/tấn so với năm ngoái.
Ông Đặng Văn Hoan, Thôn 3, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa nói: “Năm nay giá nhà máy đường đưa ra là 850 ngàn đồng/tấn, cộng với mưa thuận gió hòa nên nông dân có thể sẽ được tăng thêm về lợi nhuận. Với giá cả mà nhà máy đường đưa ra là một tín hiệu rất vui vô cùng, thêm nữa thời tiết năm nay thuận lợi, lượng mưa nhiều, năng suất mía như mía tơ đạt khoảng trên 10 tấn/sào..Tín hiệu như thế này, nông dân làm ăn sẽ có lãi.”
Bà Nguyễn Thị Nhiễu, Thôn 2, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa chia sẻ: Bà con rất phấn khởi, năm nay thời tiết thuận lợi, nên mía đạt năng suất. Đầu mùa thấy giá cả nhà máy đưa ra cao hơn năm ngoái nên chúng tôi rất phấn khởi.
Cùng với việc áp dụng các chính sách về đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác để đảm bảo tăng năng suất, chất lượng cho cây mía, công ty còn đưa ra những giải pháp đảm bảo công tác vận chuyển được thuận lợi, tránh tình trạng người dân sau khi chặt mía phải chờ đợi, ảnh hưởng đến chữ đường.
Ông Nguyễn Văn Khuyên, Thôn Kim Năng, xã Amarơn, huyện Ia Pa nói: “Về vấn đề vận chuyển của nhà máy thì nhà máy có trách nhiệm điều xe sau khi chặt xong thì xe làm theo lệnh đốn trong ngày, đến tận bãi để bốc xếp…nông dân rất hài lòng trong việc vận chuyển. Nếu tự mình giải quyết thì cũng hơi khó vì mang tính manh mún, nhỏ lẻ, không có sự đồng nhất. Nhà máy quản lý theo chuỗi thì hợp lý hơn.”
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cùng với những yếu tố khách quan và chủ quan khiến cho ngành mía đường Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, việc thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN ( ATIGA) có hiệu lực từ đầu năm 2020 càng khiến áp lực cạnh tranh đối với ngành mía đường ngày càng lớn hơn. Trước những khó khăn đó, Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai đã chủ động tìm các giải pháp để giảm chi phí sản xuất mía nguyên liệu, giúp người trồng mía sản xuất hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bà Vũ Thị Lan, Quyền Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai cho biết: “Trong những năm qua, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành cùng người dân phát triển vùng nguyên liệu. Trong giai đoạn 2020-2025, chúng tôi tập trung triển khai các giải pháp như: đẩy mạnh cơ giới hóa để đảm bảo cày sâu, cày ngầm nhằm giải quyết khó khăn về nhân công; tập trung đầu tư tưới nước nhỏ giọt để nâng cao năng suất, chất lượng mía; xây dựng vùng mía giống chuyên canh ở từng huyện, thị xã để nhân rộng các giống tiềm năng, ưu việt, đáp ứng yêu cầu phòng trừ bệnh trắng lá và sâu đục thân. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục triển khai các chính sách đầu tư phù hợp, vận động bà con phát triển vùng nguyên liệu ổn định. Công ty thu mua mía đảm bảo 2 bên đều có lãi… Đặc biệt, từ vụ ép 2021-2022 đến năm 2024, chúng tôi sẽ thu mua mía theo giá bảo hiểm tại ruộng là 800 ngàn đồng/tấn để nông dân yên tâm.”
Tuy những năm qua ngành mía đường trong nước gặp không ít khó khăn, song với các giải pháp đã và đang được nhà máy cùng nông dân thực hiện để tăng năng suất, chất lượng cho cây mía, tin rằng cây mía vẫn giữ vị trí là cây trồng chủ lực ở vùng đất các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh, tiếp tục đóng góp quan trọng vào giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp địa phương.
Theo Đài Phát Thanh Truyền Hình Gia Lai