Nông dân Khánh Hòa dần bỏ cây mía

Nhiều nông dân không còn mặn mà với nghề trồng mía bởi thu nhập thấp, chí phi sản xuất lại cao. Để vực dậy ngh...

Nhiều nông dân không còn mặn mà với nghề trồng mía bởi thu nhập thấp, chí phi sản xuất lại cao. Để vực dậy nghề trồng mía, nhiều người nông dân cho rằng, cần giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm giải pháp tăng năng suất và chất lượng mía, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ.

Nghề trồng mía ở Khánh Hòa đang đối mặt với nhiều thách thức, người nông dân chuyển dần sang các loại cây trồng khác. Ảnh: Hữu Long


Trồng mía không hiệu quả

Thị xã Ninh Hòa là vùng mía trọng điểm của Khánh Hòa nhưng hiện nay việc thu hoạch khá trầm lắng. Nhiều diện tích mía lưu gốc còi cọc, kém phát triển do người trồng không mặn mà chăm sóc, cải tạo. Thậm chí, một số nơi người dân quyết định bỏ hoang ruộng mía hoặc bấm bụng chuyển sang trồng các loại cây khác.

Như gia đình ông Trần Đình Long ở thôn Trung, xã Ninh Tân có khoảng 8ha mía trồng từ năm 1990 đến nay. Tuy nhiên, do giá mía liên tục neo ở mức thấp. Trong khi đó, chi phí lao động cũng như phân bón tăng cao. Tất cả những điều đó khiến những vụ mía ông Long trồng ra không còn lãi. Sau nhiều lần đắn đo, vài năm trước gia đình ông Long quyết định chuyển sang trồng cây khác như keo lá tràm.

“Trồng mía tốn nhiều công sức, thu nhập thấp nên nhiều gia đình trong thôn đã bán đất hoặc chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả hơn. Ai cũng biết là cây mía từng giúp bao nhiêu gia đình ở Ninh Tân thoát nghèo. Thế nhưng trong bối cảnh giá cả mía thấp, chữ đường thấp, công thì cao như hiện nay, chẳng ai còn mặn mà nữa” - ông Long chua chát nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Thuật (trú thôn 1, xã Ninh Thượng) cho biết, khác với mọi năm, nhà máy mía đường năm nay thu mua mía nhanh chóng. Đáng buồn là năng suất mía lại thấp, ước đạt từ 50 - 60 tấn/ha so với mức 60 - 70 tấn/ha trước đó.

Ông Thuật cho biết, gia đình ông đã trồng hơn 2ha mía và dự kiến thu hoạch 110 - 120 tấn/ha. Nếu so sánh giá mía được thu mua trên thị trường hiện nay chỉ từ 1 - 1,1 triệu đồng/tấn chữ đường 10 CCS.

Loay hoay chuyển đổi ngành nghề

Theo Chủ tịch UBND xã Ninh Tây Sử Hồng Quốc Tịnh, trước đây, diện tích trồng mía đạt đến 3.000ha, nhưng hiện nay đã giảm xuống còn 1.700ha. Mặc dù một hécta mía có thể mang lại lợi nhuận từ 10 đến 20 triệu đồng, nhưng chi phí đầu tư cao và giá nhân công lao động khiến cho thu nhập này vẫn còn khá thấp. Hiện nay, một số diện tích đất đã được chuyển đổi sang trồng cây keo và cây sắn.

Người dân địa phương rất mong muốn sự ổn định của nghề trồng mía. Đối với họ, việc trồng mía không chỉ là nguồn thu nhập chính mà còn là nghề mía đã gắn bó lâu đời.

Nghề trồng mía đến nay đã không còn mang lại hiệu quả về kinh tế đối với một bộ phận nông dân. Và trong lúc một số địa phương ở thị xã Ninh Hòa đang tìm cây trồng mới thì người dân đã chuyển sang trồng cây ăn quả ngắn ngày, trồng rừng.

Cũng có một số khác chưa dám chuyển đổi cây trồng nên nhiều diện tích đang bị bỏ hoang, gây lãng phí.

 

Theo Báo Lao động