Du lịch hiện là ngành kinh tế mạnh của Hà Nội. Năm 2015, tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn Thủ đô đạt...
Du lịch hiện là ngành kinh tế mạnh của Hà Nội. Năm 2015, tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn Thủ đô đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng. TP Hà Nội đang tập trung nâng cao chất lượng các tua du lịch, tạo thêm những sản phẩm du lịch mới, cải thiện môi trường du lịch... để du lịch tăng trưởng bền vững, thật sự trở thành ngành "công nghiệp xanh".

Khách du lịch nước ngoài trên phố đi bộ Mã Mây, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Thêm Tour mới, sản phẩm mới
Trong số gần tám triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2015, có 3,3 triệu khách đến Hà Nội, mang lại doanh thu hơn 50 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt hơn 43 nghìn tỷ đồng vào năm 2020 mà Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đặt ra. Hà Nội tiếp tục được nhiều tạp chí uy tín về du lịch bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh, hoặc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hà Nội có tài nguyên du lịch phong phú, nhất là di sản, làng nghề. Song tài nguyên không dễ khai thác, nếu không có sự đổi mới liên tục như trong thời gian qua. Một điển hình cho sự đổi mới là hoạt động du lịch tại khu phố cổ Hà Nội. Trước đây, thành phố chỉ khai thác tuyến phố đi bộ từ phố Hàng Đào đến chợ Đồng Xuân. Từ năm 2014, không gian của khu phố đi bộ được mở rộng sang sáu tuyến phố mới, gồm: Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ. Dịp cuối tuần, điểm nhấn của phố đi bộ là các điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, ca trù... tại di tích đền Quán Đế (28 phố Hàng Buồm), đình Kim Ngân (42 phố Hàng Bạc)...
Một số không gian ngoài trời cũng được biến thành địa điểm biểu diễn nghệ thuật miễn phí. Phố đi bộ buổi tối trở thành một khu phố "đa quốc gia" với sự xuất hiện của nhiều du khách nước ngoài. Anh Andrew Johuson, du khách người Anh cho biết: "Tôi và bạn bè rất thích đến phố đi bộ. Buổi tối ở đó chúng tôi được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa và nếm thử nhiều món ăn ngon của Việt Nam". Đối với du lịch làng nghề, thành phố có gần 250 làng nghề truyền thống đã được công nhận (trong tổng số gần 1.400 làng nghề).
Nhiều làng nghề sản xuất đồ mỹ nghệ có giá trị du lịch như: lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, thêu Quất Động, mây tre đan Phú Vinh, làm miến dong ở Cự Đà, sơn mài Hạ Thái, tạc tượng Sơn Đồng... Để quảng bá du lịch, thành phố đã tổ chức những Liên hoan du lịch làng nghề vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10-10 trong suốt ba năm qua. Đây còn là "sân chơi", là những kênh đối thoại giữa doanh nghiệp lữ hành - doanh nghiệp, nghệ nhân. Đối với du lịch di sản, các di tích trọng điểm như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Hương, đền Sóc... được đầu tư xứng đáng.
Đầu năm 2016, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức chương trình "Ký ức Hà Nội" tại Hoàng thành Thăng Long. Nhiều nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội được tái hiện qua không gian phố cổ, trình diễn nghề truyền thống, các trò chơi dân gian hay phiên chợ đồ xưa... Tại Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2016 diễn ra tháng 4 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội nghị "Giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội", nhấn mạnh sự trải nghiệm của khách du lịch qua các hoạt động tại phố cổ, làng cổ.
Mặc dù có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng du lịch Hà Nội vẫn chưa được phát huy xứng với tiềm năng, nhất là mảng du lịch làng nghề. Khách du lịch thường chỉ lưu trú ở Hà Nội hai ngày, một đêm rồi di chuyển đến các nơi khác trong nước. Đến với làng thêu Quất Động nổi tiếng, khách bối rối, vì làng nghề không trưng bày, giới thiệu sản phẩm, không có biển chỉ dẫn, không biết tìm nghệ nhân ở đâu, không có chỗ nghỉ chân, không có dịch vụ ăn uống... Điều tương tự cũng xảy ra ở nhiều làng nghề khác như tạc tượng Sơn Đồng, sơn mài Hạ Thái hay nón làng Chuông...
Vấn đề du lịch làng nghề từng được bàn thảo, nhưng rồi lại bỏ quên. Khách muốn tham quan làng nghề thường được các công ty du lịch đưa đến với làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng. Nhưng ngay cả hai làng nghề trọng điểm này vẫn còn nhiều hạn chế. Chị Nguyễn Hoàng Phương, một khách tham quan ở TP Hồ Chí Minh phản ánh: "Đến Bát Tràng chúng tôi cảm thấy không thoải mái vì địa điểm gửi xe còn tạm bợ; thiếu biển chỉ dẫn, cho nên muốn tham quan di tích hay gặp nghệ nhân nào đó thì phải lần mò rất vất vả".
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: "Vấn đề chúng tôi trăn trở nhất là làm thế nào để giữ chân khách du lịch lưu trú dài ngày tại Hà Nội. Muốn vậy, phải tổ chức tốt hơn những điểm, tuyến du lịch cũ; xây dựng các tua mới như du lịch khu vực hồ Tây với các sản phẩm: Thưởng thức trà sen Quảng An, thung lũng hoa, thuyền buồm trên hồ Tây...; du lịch hai bên sông Hồng; phát triển những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại Ba Vì, Sơn Tây; nâng cao chất lượng phục vụ... để tạo nên sức hút. Sở Du lịch đề xuất với thành phố, cũng như các quận, huyện nên chọn những sản phẩm du lịch ưu tiên để đầu tư có trọng điểm. Với du lịch làng nghề, Sở Du lịch đang phối hợp các cơ quan chuẩn bị báo cáo UBND thành phố xem xét, đầu tư đồng bộ về hạ tầng cho hai làng nghề du lịch trọng điểm là Bát Tràng và Vạn Phúc".

Khách du lịch quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Xây dựng môi trường thân thiện, an toàn
Đầu tháng 4 năm nay, ba khách du lịch người Anh khi đến Hà Nội đã đến Sở Du lịch trình báo bị lừa tiền. Ngay ngày hôm sau, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, ba vị khách đã được hoàn lại số tiền. Trước đó, hai khách du lịch người Bê-la-rút cũng được trả lại tiền sau khi bị một đối tượng lừa đảo. Công an các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm tích cực tham gia xử lý, ngăn chặn nạn chèo kéo, bắt chẹt khách du lịch. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng, cần tuyên truyền để mọi người nhận thức được việc đón khách du lịch sẽ đem lại chuỗi lợi nhuận cho nhiều người, nhiều ngành, chứ không chỉ những doanh nghiệp lữ hành, qua đó, sẽ góp phần để mọi người thay đổi hành vi ứng xử.
Vấn nạn móc túi, bắt chẹt khách du lịch đã giảm, nhưng vẫn còn đó hiện tượng chèo kéo khách, nhất là những người bán hàng rong, đánh giày. Tình trạng xả rác bừa bãi, những hành vi không đẹp của người dân ngay tại những địa điểm du lịch vẫn còn phổ biến. Hà Nội đang triển khai các nhiệm vụ Năm trật tự và văn minh đô thị 2016. Cùng với cải thiện cảnh quan, giữ gìn vệ sinh, trật tự, thành phố chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử, góp phần tạo môi trường thân thiện với mọi người nói chung, khách du lịch nói riêng.
Năm 2016, Hà Nội đặt mục tiêu đón 21,165 triệu lượt khách, trong đó có gần 3,8 triệu khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng. Thành phố hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu này, bởi ba tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đã đạt 1,04 triệu lượt. Để tạo những bước phát triển đột phá, ngay trong năm nay thành phố xúc tiến đầu tư một "đặc khu" du lịch tại huyện Đông Anh. Thành phố đang xây dựng những hành lang pháp lý thuận lợi nhất để kêu gọi nhà đầu tư. Những đổi mới của thành phố sẽ giúp ngành du lịch bứt phá mạnh mẽ, thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại lợi nhuận cao cho Thủ đô.
Nhân Dân