(NCĐT) - Brazil trồng 1 tấn mía chỉ mất 16 USD chi phí, tại Úc con số này khoảng 20 USD, tại Thái Lan là 30 US...
(NCĐT) - Brazil trồng 1 tấn mía chỉ mất 16 USD chi phí, tại Úc con số này khoảng 20 USD, tại Thái Lan là 30 USD nhưng tại Việt Nam, chi phí để trồng 1 tấn mía lên đến 55 USD.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công, người đi đầu trong việc nghiên cứu phát triển các loại nông sản có giá trị cao của Việt Nam đã dùng cây mía để đưa ra một ví dụ điển hình về năng suất cây trồng của nước ta trong buổi Tọa đàm “Lợi thế Việt Nam – Bắt đất hóa tiền” được tổ chức tại Đà Nẵng. Đây là buổi Tọa đàm thứ hai trong chuỗi sự kiện Giải thưởng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp – Mark of Respect 2014” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư đồng hành cùng thương hiệu Royal Salute tổ chức.
Có thể thấy, năng suất cây trồng của Việt Nam hiện nay đang còn rất thấp. Nhiều sản phẩm của chúng ta sản xuất ra đắt hơn thị trường thế giới.
“Đây thực sự là một dấu hiệu đáng lo ngại”, ông Xuân bày tỏ.
Theo ông, trước viễn cảnh Việt Nam đã gia nhập vào WTO và APEC, sắp tới là Cộng đồng kinh tế ASEAN (ACE), năm 2015, hạn định để chúng ta trì hoãn việc sống chung mặt bằng với các doanh nghiệp trên thế giới và trong khu vực đã cận kề. Do vậy, với khả năng cạnh tranh yếu, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra chưa đạt được hiệu quả kinh tế cao sẽ khiến các doanh nghiệp Việt đối đầu với tình cảnh vô cùng khó khăn.
Đây cũng là một nghịch lý, Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế từ nền nông nghiệp đã có từ hàng ngàn năm nhưng chúng ta lại đang có sức cạnh tranh rất thấp. Việt Nam nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới, có thể trồng cây quanh năm. Khác với các quốc gia nằm trong vùng khí hậu ôn đới, họ chỉ có thể trồng cây trong 6 tháng, việc điều khiển nhiệt độ thích hợp để trồng cây quanh năm là rất tốn kém. Có thể thấy, Việt Nam đang nắm giữ lợi thế rất lớn trong phát triển nông nghiệp nhưng chúng ta thực sự chưa khai thác được hết các tiềm năng đó.
Vậy làm sao để gia tăng năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và chiến thắng trên sân nhà? Sở dĩ, các sản phẩm nông nghiệp Việt chưa đạt được hiệu quả cao là do chúng ta chưa cùng làm theo một hệ thống. Người nông dân phải được đào tạo có kỹ thuật cho đến khi họ trồng ra được nguyên liệu tốt, sau đó phải có doanh nghiệp đón nhận các nguyên liệu này để tạo ra sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu, từ đó mới đưa ra được thị trường làm gia tăng giá trị của sản phẩm. Đồng thời, Nhà nước cũng cần tạo thêm nhiều ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, vốn là một ngành rất tiềm năng. Có làm được như vậy, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mới đạt được năng suất cao và sản phẩm tạo ra được gia tăng thêm giá trị.
“Không nên để cho nông dân mạnh ai người nấy làm mà nên có tổ chức sản xuất, phải xoay quanh nhà doanh nghiệp, có máy móc hiện đại”, ông Xuân chia sẻ.
Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc Điều hành Vinasoy, một diễn giả khác trong Tọa đàm, cũng đưa ra ý kiến của mình về các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Theo ông, các sản phẩm nông nghiệp hiện chỉ được xuất bán dưới hình thức nguyên liệu thô do vậy sẽ khó có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao. Cần phải có sự đầu tư vào dây chuyền sản xuất, biến các sản phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh có giá trị gia tăng cao mới nâng cao được khả năng cạnh tranh của sản phẩm.