Sáp nhập có là “đũa thần” cho BHS?

(DoanhNhanOnline) – Công ty Đường Ninh Hòa đã thống nhất kế hoạch sáp nhập và trở thành công ty con của Đường ...

(DoanhNhanOnline) – Công ty Đường Ninh Hòa đã thống nhất kế hoạch sáp nhập và trở thành công ty con của Đường Biên Hòa. Liệu giải pháp sáp nhập có là “đũa thần” như mong đợi cho người trong cuộc?

Ngày 12/6/2014, Đại hội cổ đông Công ty Đường Ninh Hòa (NHS) tán thành kế hoạch về chung một nhà với Công ty Đường Biên Hòa (BHS). Theo đó, BHS sẽ phát hành cổ phiếu hoán đổi toàn bộ số cổ phiếu của NHS theo tỉ lệ 1:1, tức ngang nhau về giá trị. NHS sẽ trở thành công ty con 100% vốn của BHS.

Lột xác

Dù đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt, nhưng ngành đường vẫn chưa tìm được lối ra hiệu quả. Bởi vậy, thương vụ sáp nhập giữa BHS và NHS – thương vụ đầu tiên của ngành đường – có thể được xem là cách tự xoay sở để thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay mà các công ty đường tính đến.

BHS và NHS có qui mô vùng nguyên liệu tương đương. Do đó, sau sáp nhập BHS sẽ có được vùng nguyên liệu tăng gấp đôi, khoảng 23.500 ha và lớn nhất cả nước. Đây là lợi thế rất lớn của BHS, bởi vùng nguyên liệu là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp. Ngoài yếu tố này, việc sáp nhập giúp BHS tiết giảm chi phí nhờ nâng cao công suất ép mía. Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường, với công suất từ 10.000 tấn mía/ngày trở lên, doanh nghiệp sẽ tiết giảm được 1/3 chi phí so với nhà máy có công suất thấp hơn. Hiện BHS có công suất 6.500 tấn mía/ngày, NHS có công suất 6.000 tấn mía/ngày. Tổng công suất sau sáp nhập BHS có được sẽ giúp công ty có được mức lợi nhuận tốt hơn hiện tại.

Nếu xét về hiệu quả kinh doanh, chắc hẳn BHS cũng rất may mắn khi nắm được một công ty đường như NHS có thị trường rộng lớn từ Khánh Hòa ra phía Bắc, đây vốn từ lâu là địa bàn “trắng” của BHS. Lợi thế của BHS là không chỉ xóa bỏ rào cản về yếu tố địa lý mà khu vực này còn đang được khai thác bởi nhiều tên tuổi lâu năm trong ngành như Đường Lam Sơn, Đường Kontum… Khi về cùng một nhà, BHS dễ dàng Bắc tiến mà không gặp phải trở lực nào nữa. Thị trường của BHS sau sáp nhập sẽ trải rộng khắp cả nước. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM đánh giá: “Nếu không nhờ sáp nhập, có thể BHS sẽ không bao giờ có được thị trường này vì đã có nhiều đối thủ mạnh chiếm giữ”.

Thật ra, không phải chỉ mình BHS được lợi. NHS dù là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nhưng thương hiệu lại mờ nhạt. Bất chấp tình cảnh khó khăn chung, doanh thu và lợi nhuận ròng của NHS trong 3 năm gần đây luôn tăng trung bình khoảng 10% mỗi năm. Ngược lại, BHS sở hữu hệ thống phân phối và thương hiệu gần như độc chiếm thị trường miền Nam. Đây được coi là giá đỡ cho NHS nâng cao giá trị thương hiệu mà không tốn nhiều công sức.

Ngoài ra, năng lực tài chính sau sáp nhập của BHS cũng sẽ có bước đột phá lớn. Chẳng hạn, BHS sẽ nâng được vốn điều lệ lên hơn 1.200 tỷ đồng, lớn thứ 2 sau Tập đoàn Thành Thành Công Tây Ninh. Riêng về tổng tài sản, BHS chiếm ngôi đầu ngành với qui mô hơn 4.000 tỷ đồng. Năng lực tài chính mạnh mẽ tạo điều kiện giúp BHS triển khai các dự án mới dễ dàng hơn, nhất là dự án nhà máy điện sinh khối từ bã mía, trong giải pháp gia tăng lợi nhuận. Sau khi kế hoạch sáp nhập được thông qua, có lẽ thương vụ sẽ được hoàn tất rất sớm. Nguyên nhân đơn giản vì cả BHS và NHS đều có cùng cổ đông lớn là Tập đoàn Thành Thành Công.

“Đũa thần” giảm giá thành?

BHS có nhà máy tinh luyện đường chạy quanh năm là lợi thế so với nhiều nhà máy khác chỉ chạy được 3-4 tháng mỗi năm. Nhưng chính điều này khiến giá thành sản xuất của BHS khá cao so với mặt bằng chung của ngành, tỉ suất lợi nhuận gộp cũng thấp. Do đó, bài toán giảm giá thành sau sáp nhập là một mục tiêu quan trọng.

Mới đây, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cổ đông lớn của cả BHS và NHS cũng nhìn nhận rằng, sáp nhập là giải pháp giúp giảm giá thành sản xuất hiệu quả.

Giá thành sản xuất cao khiến đường nội địa bị yếu thế so với đường nhập lậu là một thực tế hiển nhiên. Từ năm 2012 trở lại đây, giá đường thế giới giảm dần. Cộng với việc các doanh nghiệp sản xuất mua được đường giá thấp qua nhập khẩu (có định mức), càng tạo áp lực giảm giá bán và giảm lợi nhuận lên các doanh nghiệp đường nội. Hệ quả là lợi nhuận ròng năm 2013 của các doanh nghiệp đường suy giảm đáng kể. Tỉ suất lợi nhuận gộp của ngành cũng giảm từ mức 30% thời hoàng kim xuống chỉ còn 10% từ năm 2012 trở lại đây.

Để giảm giá thành, phải giải được bài toán nguyên liệu và năng suất mía. Sau sáp nhập, vùng nguyên liệu của BHS đã ổn định trên qui mô lớn. Năng suất mía cũng được kì vọng cải thiện nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công. Trung tâm này có vốn góp của BHS và NHS cũng sẽ được hưởng lợi. Nghiên cứu nâng cao năng suất cây mía và hỗ trợ nông dân phát triển vùng nguyên liệu là mục tiêu chính của trung tâm này. Đây có thể xem là kì vọng lớn nhất giúp hai bên giảm giá thành sản xuất.

Với BHS, kì vọng giảm giá thành cũng có được nhờ mua đường thô từ NHS, tất nhiên với giá hợp lí hơn giá từ các công ty khác. Đầu ra của NHS là đường RS sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào để BHS tinh luyện thành đường RE có giá trị gia tăng lớn hơn.

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia tài chính doanh nghiệp cho rằng, sự hỗ trợ giữa hai phía vẫn có thể được tiến hành. “BHS có thể mua đường thô của NHS, dù tốn thêm chi phí nhưng vẫn thấp hơn so với mua mía nguyên liệu”, ông nói. Ngoài ra, tỉ suất lợi nhuận gộp của BHS có thể được tăng lên nhờ quân bình với kết quả khá tốt của NHS, khoảng 20% năm 2013.

Về góc độ tài chính, BHS còn được lợi ở chỗ có cấu trúc tài chính “đẹp” hơn. Hiện tổng nợ của BHS gần gấp đôi vốn chủ sở hữu, trong khi tỉ lệ này ở NHS chỉ mới hơn 1 lần. Tuy nhiên, các vấn đề cốt lõi của công ty như khả năng thanh toán, xử lý tồn kho, phải thu… có lẽ vẫn chưa thể giảm ngay sau đợt sáp nhập này, ông Lân phân tích thêm.

DoanhnhanOnline