Tháng 8 giá đường trong nước và thế giới đều giảm

(VINANET) - Giá bán đường tháng 8 giảm khoảng 100 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể giá bán đường trắng loại ...

(VINANET) - Giá bán đường tháng 8 giảm khoảng 100 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể giá bán đường trắng loại 1 đã có thuế VAT tại cửa kho nhà máy: Miền Bắc từ 12.400-12.600 đồng/kg; Miền Trung và Tây Nguyên: 12.300-12.800 đồng/kg; Miền Nam: 13.000 đồng/kg.

Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối ngày 7/7/2014 đã có nhà máy đường Nước Trong đi vào sản xuất vụ mới 2014-2015. Đến ngày 15/8/2014 nhà máy đã ép được 39.000 tấn mía, sản xuất được 4.070 tấn đường.

Bộ NN và PTNT cho biết, lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến ngày 15/8/2014 là 369.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 54.000 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/7/2014 đến 15/8/2014 là 92.960 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 21.500 tấn.

Trên thị trường thế giới, giá đường gần đây cũng liên tiếp giảm. Giá đường hôm 22/8 đã có mức giảm hàng ngày lớn nhất trong gần 2 tháng qua trong bối cảnh dư thừa toàn cầu.

Giá đường thô giao tháng 10 phiên giao dịch ngày 19/8 giảm xuống mức thấp nhất kể từ 11/2, trước khi tăng 3,4% trong 2 phiên tiếp theo khi nhà đầu tư ngừng đặt cược giá đường tiếp tục giảm. Nhưng giá hợp đồng giao tháng 10 phiên giao dịch ngày 22/8 trên sàn ICE giảm 2,2% xuống 15,64 cent/pound. Cả tuần qua, giá đường kỳ hạn giảm 1,8%.

Một số thương nhân và nhà phân tích cho biết, thị trường sắp đảo chiều. Hoạt động chế biến đường ở Brazil tháng 7 giảm mạnh, làm gia tăng lo ngại rằng vụ thu hoạch sẽ kết thúc sớm hơn thông thường. Các nhà máy đường Brazil đang chạy đua chế biến càng nhiều mía đường càng tốt sau đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ diễn ra hồi đầu năm nay.

Do vụ thu hoạch mía đường Brazil bắt đầu vào tháng 4, nên sản lượng của nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới này đã tăng từ một năm trước trong bối cảnh nhu cầu yếu. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự đoán sản lượng đường toàn cầu trong năm kết thúc vào 30/9 sẽ vượt nhu cầu trong 4 năm liên tiếp, sau một loạt mùa vụ bội thu của Brazil và các nước sản xuất chủ yếu khác. Các nhà phân tích cho rằng nguồn cung tăng chủ yếu do các nước sản xuất tăng cường đầu tư và sản xuất mía đường.

Thị trường đang chờ đợi báo cáo của Unica, tổ chức ngành mía đường Brazil, về tiến độ thu hoạch. Giới thương nhân và nhà phân tích dự đoán Unica sẽ hạ dự báo về sản lượng mía đường cũng như sản lượng đường.

Nguồn: Vinanet/Gafin