Thêm lực đẩy cho bất động sản công nghiệp

Trong thời gian gần đây, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP nhằm phân loại cụ thể các loại quy hoạch x...

Trong thời gian gần đây, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP nhằm phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng khu công nghiệp gồm quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp, quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp và quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp (nếu cần).

Theo Điều 9 của Nghị định mới, các khu công nghiệp và khu kinh tế phải dành ít nhất 5ha hoặc 3% diện tích đất công nghiệp cho phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều 28 giao quyền cho ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế về xác nhận xuất xứ hàng hóa, điều chỉnh cục bộ các khu về quy hoạch đã phê duyệt…

Nghị định mới đã quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp
trong xây dựng nhà ở cho công nhân.

 

Nhìn chung, Nghị định 35/2022/NĐ-CP có nhiều điểm tiến bộ hơn so với Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, điểm thứ nhất là có giải pháp cho nhiều vấn đề mấu chốt, mở ra một hành lang pháp lý thông thoáng và có một số chủ trương tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và đầu tư. Điểm thứ hai là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp và cơ sở, tiếp cận cơ chế “một cửa, tại chỗ”. Điều thứ ba là công nhân, người lao động được quan tâm về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích tại khu công nghiệp. Trong đó, để được xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án hạ tầng khu công nghiệp phải có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động. Ngoài ra, một trong các điều kiện xem xét mở rộng khu công nghiệp là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho công nhân. “Đây được xem là điểm tạo ra hành lang chính sách quy định cụ thể về loại hình dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ” Ông Hà Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trần Anh cho biết.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản như là “các khu công nghiệp mới được thành lập có thể đi vào hoạt động vào cuối 2023 đến năm 2025 do việc đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương có thể giúp giảm thủ tục cấp phép đầu tư tại các khu công nghiệp. Tiến độ đền bù giải tỏa còn khá chậm do chi phí đền bù tăng mạnh dẫn đến chậm tiến độ dự án, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận dự báo tại các khu công nghiệp mới thành lập, có thể suy giảm về mức 30 - 35% so với các khu công nghiệp hiện hữu đang duy trì ở mức trên 50%”, Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho biết.

Song song đó, Ông Bé kiến nghị “Chúng ta cần phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp - kinh tế. Thực hiện các chính sách thu hút vốn đầu tư như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp về 0% trong 4 năm đầu tiên hoạt động, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo… Quán triệt triển khai phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ và ủy quyền trong các khu công nghiệp.”

 

Theo Báo Reatimes