Nhiều công ty mía đường áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm giúp tăng năng suất cây trồng hơn
Thời gian qua, sản xuất mía nguyên liệu ở nhiều địa phương trong cả nước luôn gặp khó khăn về nguồn nước tưới, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Để khắc phục tình trạng này, nhiều địa phương, công ty mía đường đã áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm giúp tăng năng suất cây trồng hơn so với diện tích phụ thuộc vào nguồn nước mưa.

Mở rộng diện tích mía được tưới nước
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cây mía được trồng ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước với diện tích hơn 284.000 ha. Tuy nhiên, vùng mía nguyên liệu cung cấp để chế biến đường tập trung chủ yếu ở 25 tỉnh. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là hầu hết vùng mía nguyên liệu được trồng trên các vùng đồi, bãi nên việc chủ động được nguồn nước tưới rất khó khăn, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa. Vì thế, năng suất mía những vùng này thường rất thấp, chỉ dao động từ 40 tấn đến 60 tấn/ha. Có thể thấy vai trò của nước tưới đối với cây mía khi so sánh năng suất ở các vùng khác nhau. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có điều kiện thuận lợi để tưới mía đạt năng suất bình quân 87 tấn/ha. Trong khi đó, ở những nơi khó khăn về nước tưới như tại Bắc Trung Bộ, năng suất mía chỉ đạt 58 tấn/ha, duyên hải Nam Trung Bộ đạt 54 tấn/ha, Tây Nguyên đạt 61 tấn/ha. Như vậy, trong điều kiện thâm canh bình thường có nước tưới bổ sung sẽ tăng năng suất khoảng 35% đến 50% so với canh tác mía hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo quyết liệt và các địa phương đã tích cực vận dụng mọi khả năng để mở rộng diện tích mía được tưới nước lên 16.726 ha. Trong đó, tỉnh Tây Ninh đã vận dụng sáng tạo phương thức tưới phun có hiệu quả nên đã mở rộng diện tích mía được tưới nước trong tỉnh lên khoảng 9.000 ha.
Thời gian gần đây, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đưa các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào sản xuất đang được nhiều địa phương khuyến khích và doanh nghiệp triển khai thực hiện. Theo Cục Trồng trọt, các đơn vị như Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty CP đường Quảng Ngãi, Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Công ty CP Đường Ninh Hòa… đã triển khai áp dụng thực hiện với những hình thức phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị, góp phần nâng cao năng suất mía. Trong đó, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc cải tiến hệ thống van trên ống dẫn, áp dụng và xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt cho mía. Hay mô hình sử dụng ống nổi tưới tràn ở Quảng Ngãi đã tăng năng suất mía rõ rệt. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng các mô hình tưới cho cây mía ở các địa phương như tưới nhỏ giọt tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) năng suất mía đạt 100 tấn/ha, cao hơn năng suất tại địa bàn 30%; tưới thấm tại huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) cao hơn năng suất tại địa bàn 25%; tưới phun mưa tại huyện Mai Sơn (Sơn La), cao hơn năng suất tại địa bàn 25 - 30%; tưới rãnh tại Nghệ An đạt 80 tấn/ha, cao hơn năng suất tại địa bàn 80%.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa Phạm Đức Luận cho biết, Thanh Hóa là tỉnh có quy mô phát triển mía lớn, với sản lượng mía đường chiếm khoảng 25% của cả nước và chiếm hơn 50% khu vực Bắc Trung Bộ. Toàn tỉnh có 200/637 xã, phường tham gia trồng mía với tổng số gần một triệu người có thu nhập gắn với sản xuất, chế biến mía đường. Theo thống kê, tổng diện tích mía được tưới trên địa bàn khoảng hơn 3.000 ha, đạt khoảng 11% diện tích trồng mía. Trong đó, có gần 200 ha áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo công nghệ I-xra-en thuộc vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Mía đường Lam Sơn. Qua đánh giá, việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào trồng mía có tác dụng rất lớn và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nếu không áp dụng tưới nước nhỏ giọt, bình quân năng suất chỉ đạt 45 tấn đến 50 tấn/ha, sau khi áp dụng năng suất tăng lên 80 tấn đến 95 tấn/ha. Đặc biệt có một số hộ năng suất bình quân vụ mía tơ đạt đến 150 tấn/ha.
Vướng mắc trong áp dụng công nghệ tưới
Trên thực tế, các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt ở một số công ty mía đường triển khai có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng quá trình áp dụng vào thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế. Vướng mắc lớn nhất vẫn là kinh phí triển khai thực hiện khi giá thành tương đối cao (thấp nhất 12 đến 15 triệu đồng/ha) là rào cản với người nông dân. Bên cạnh đó, hầu hết diện tích mía trồng trên đất đồi, bãi nên thiếu nước trong mùa khô khi mía bước vào giai đoạn nảy mầm, đẻ nhánh, vươn lóng là những giai đoạn rất cần nước. Cùng với đó là thiếu cơ sở hạ tầng thủy lợi, nguồn nước; kinh phí đầu tư để xây dựng hệ thống thủy lợi quá lớn, vượt ngoài khả năng của ngành đường cũng như người trồng mía. Việc áp dụng công nghệ cao như tưới bằng giàn tưới hoặc tưới nhỏ giọt yêu cầu phải xây dựng hạ tầng nhất định như nguồn nước, bể chứa trên cao, hệ thống kênh thứ cấp hoặc đầu tư ống dẫn, thiết bị… có chi phí cao và một số thiết bị nhập khẩu chưa phù hợp với đặc điểm đồng đất ở nước ta, cho nên rất khó áp dụng vào đại trà. Quy mô sản xuất mía còn manh mún, nhỏ lẻ, khó khăn cho xây dựng hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và giảm giá thành sản xuất.
Việc đầu tư công nghệ tưới cho cây mía không những giúp người trồng mía nâng cao thu nhập, mà còn nâng cao sức cạnh tranh của ngành mía đường nước ta. Nhưng để có thể nhân rộng phương pháp này cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho người dân tiếp cận và làm chủ công nghệ. Nhà nước cần ban hành chính sách tài chính vi mô nhằm hỗ trợ ban đầu cho người dân áp dụng công nghệ; các địa phương rà soát điều chỉnh lại quy hoạch, tạo điều kiện hỗ trợ cho mỗi vùng sản xuất theo hướng tập trung, có điều kiện thâm canh và chuyển mía từ trên đồi xuống ruộng lúa thường gặp khó khăn về nước tưới. Đối với vùng nguyên liệu còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, cần tiến hành dồn điền đổi thửa thành vùng sản xuất tập trung để đầu tư hạ tầng, tạo thuận lợi cho việc tưới tiết kiệm và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ.
Theo Nhân Dân