(ĐĐK) - Người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng đường ăn với giá cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi giá đường nhiều nước trên thế giới. Đó là thực tế đã được chính Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú nêu lên. Không thể chậm trễ hơn, ngành mía đường cần phải xốc lại mình, hay nói cách khác, các DN mía đường cần phải gấp rút tái cấu trúc nếu không muốn thua ngay trên sân nhà.
Giải tỏa mối ngờ "lợi ích nhóm”
Trong một kiến nghị của mình lên cấp quản lý, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã bày tỏ quan điểm, chính sách nhập khẩu đường của Bộ Công thương đang bộc lộ nhiều bất cập, chỉ phục vụ lợi ích nhóm, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Trước đó, Bộ Công thương đã cấp phép nhập khẩu đường được sản xuất tại Lào của Hoàng Anh Gia Lai. Và sự việc này cũng như quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã dấy lên những tranh cãi giữa Bộ Công thương và Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Để làm rõ sự việc này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây, Văn phòng Chính phủ chính thức công bố ý kiến của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, Chính phủ luôn chủ trương thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện với nước bạn Lào. Sau các thoả thuận tại kỳ họp 37 Uỷ ban liên Chính phủ Việt - Lào tháng 1 vừa qua, hai nước đã ký Hiệp định thương mại tháng 3/2015 và đang khẩn trương tiếp tục đàm phán Hiệp định biên mậu, trong đó sẽ đề cập tới quản lý hạn ngạch nhập khẩu đường sản xuất tại Lào của HAG để phù hợp với tính chất quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Ông Nên cho biết thêm, cơ chế quản lý nhập khẩu đường được thực hiện theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó đường thuộc danh mục quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng, khuyến khích người sản xuất cải tiến quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm mía đường trong nước.
Theo đó, việc nhập khẩu đường từ Lào của Hoàng Anh Gia Lai đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án điều hành nhập khẩu đường, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều này cũng có nghĩa, những nghi ngờ của Hiệp hội Mía đường về quyết định nhập khẩu đường của Bộ Công thương là phục vụ lợi ích nhóm đã được giải tỏa.
Cải tổ thế nào?
Song, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, vấn đề nội tại của ngành mía đường hiện nay không phải ở câu chuyện nhập hay không nhập khẩu đường. Đành rằng, việc nhập đường có thể ảnh hưởng đến sản xuất trong nước như nhận định của ngành mía đường, song quan trọng hơn, việc ngành này cần quan tâm hiện nay là phải có sự điều chỉnh, cải cách thế nào để có thể phát triển một cách ổn định, bền vững. Có như vậy mới có thể cạnh tranh được với các đối thủ mạnh khi cánh cửa hội nhập rộng mở.
Dư luận đã chứng kiến cuộc tranh cãi giữa Bộ Công thương và Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Phía Bộ thì cho rằng, do được bảo hộ quá lâu nên ngành mía đường mới dẫn đến kết cục như hiện nay. Còn phía Hiệp hội mía đường lại cho là, các chính sách xuất nhập khẩu đường của Bộ Công thương đang tồn tại nhiều bất cập, tạo nên một môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng, khiến cho sản xuất trong nước bị bấp bênh, ngành mía đường có nguy cơ phá sản…
Mỗi bên đều có những lập luận của riêng mình, song theo giới chuyên gia, câu hỏi cần phải được trả lời nhất hiện nay, đó là: Làm thế nào để hạ được giá thành đường sản xuất trong nước để người tiêu dùng không phải mua đường trong nước với giá cao? Muốn vậy, yêu cầu đặt ra không chỉ là ngành mía đường cần phải cải tổ, DN mía đường phải tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm mà phía Nhà quản lý cũng cần phải đưa ra những chính sách hợp lý để làm sao, chính sách tạo động lực gắn kết nông dân và nhà máy hợp tác trong việc sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu ổn định, hiệu quả.