Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng đối với phát triển công nghiệp nói riêng và phát t...
Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng đối với phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái nói chung. Sắp tới, tỉnh này sẽ quy hoạch 8 khu công nghiệp hơn 2.000 ha và 25 cụm công nghiệp tổng quy mô hơn 1.288 ha.
Yên Bái là tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc; phía Bắc và Tây Bắc tiếp giáp với tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu; phía Nam tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ; phía Đông tiếp giáp với tỉnh Tuyên Quang; phía Tây và Tây Nam tiếp giáp tỉnh Sơn La. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm Thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và 7 huyện là Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình.
Theo quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại số 1068/QĐ-TTg, Yên Bái sẽ phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Để thực hiện được phương hướng, mục tiêu đề ra phương án cụ thể quy hoạch các khu chức năng, trong đó có quy hoạch hệ thống khu, cụm công nghiệp.
Về khu công nghiệp, tỉnh có 4 khu công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích là hơn 966 ha. Đến năm 2030, tỉnh giữ nguyên diện tích 3 khu công nghiệp là Phía Nam, Âu Lâu, Trấn Yên, mở rộng thêm 88 ha tại khu công nghiệp Minh Quân.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển quy hoạch mới 4 khu công nghiệp là Y Can, Đông An, Thịnh Hưng, Lục Yên tổng diện tích là 1.025 ha. Như vậy, đến năm 2030, tổng diện tích quy hoạch phát triển khu công nghiệp của tỉnh Yên Bái là 2.079,89 ha.
Về cụm công nghiệp,đến năm 2030, tỉnh Yên Bái quy hoạch 25 cụm công nghiệp (bao gồm các cụm đã thành lập, hoạt động ở giai đoạn trước) với tổng diện tích 1.288,21 ha.
Cụ thể đến năm 2030, tỉnh giữ nguyên diện tích 6 cụm công nghiệp Thịnh Hưng, Sơn Thịnh, Báo Đáp, Hưng Khánh, Đông An, Minh Quân. Đưa ra khỏi quy hoạch 3 cụm công nghiệp gồm Đầm Hồng, Bảo Hưng, Tây Cầu Mậu A do không còn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đô thị của tỉnh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Mở rộng 2 cụm công nghiệp Âu Lâu, Yên Thế, giảm diện tích cụm công nghiệp Bắc Văn Yên. Cụm công nghiệp Âu Lâu điều chỉnh mở rộng từ 50 ha lên 75 ha; cụm công nghiệp Yên Thế điều chỉnh mở rộng từ 39,97 ha lên 55 ha; cụm công nghiệp Bắc Văn Yên điều chỉnh giảm từ 72 ha xuống còn 55 ha. Đồng thời, Yên Bái sẽ quy hoạch mới 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích 842,4 ha.
Các cụm công nghiệp này hầu hết định hướng thu hút đa ngành nghề, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các ngành: công nghiệp chế biến nông lâm sản thực phẩm, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghiệp hóa chất, sản xuất hàng tiêu dùng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Yên Bái hiện có 12 CCN đã được thành lập, trong đó, 10 CCN đang hoạt động, 2 CCN còn lại (Bảo Hưng và Minh Quân) đang giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng. Các CCN đi vào hoạt động đã thu hút được 54 dự án thứ cấp đăng ký đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký hơn 3.700 tỷ đồng (42 dự án đã đi vào sản xuất); tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động; đạt tỷ lệ lấp đầy 55%. Tổng doanh thu các dự án đầu tư trong CCN ước đạt 775 tỷ đồng năm 2021 và nộp ngân sách khoảng 75,5 tỷ đồng.
Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng đối với phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái nói chung. Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp, tỉnh Yên Bái đã đề ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ về thủ tục hành chính, tài chính tín dụng, mặt bằng sản xuất (như san tạo mặt bằng, tiền thuê đất), xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, miễn phí cho nhà đầu tư trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh, giới thiệu sản phẩm trên website và các kênh thông tin khác…
Theo CafeF