Sau 3 năm thành lập, Câu lạc bộ Thương hiệu Việt đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trong đó nổi bật l...
Sau 3 năm thành lập, Câu lạc bộ Thương hiệu Việt đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là việc kết nối hợp tác kinh doanh cho hội viên đạt trên 50 nghìn tỷ đồng.
Từ khi được thành lập tới nay, Câu lạc bộ Thương hiệu Việt hoạt động với tôn chỉ: Hỗ trợ đồng hành phát triển thương hiệu cho các hội viên trong nước - quốc tế; giúp xây dựng chính sách nhà nước, đối đầu với khủng hoảng và dùng hàng của nhau. Từ đây, các hội viên của Câu lạc bộ sẽ thêm gắn kết và có nhiều cơ hội hợp tác tốt đẹp cùng nhau, trong đó nổi bật là việc kết nối hợp tác kinh doanh cho các hội viên đạt trên 50 nghìn tỷ đồng. Từ kết quả trên, trong thời gian tới, Câu lạc bộ sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động, trên cơ sở phát huy nền tảng kết nối, hỗ trợ, và xúc tiến đầu tư giữa những doanh nghiệp đứng đầu trên nhiều lĩnh vực.

Các thành viên Câu lạc bộ Thương hiệu Việt
Dịp này, VBC đã kết nạp thêm hội viên mới gồm: Ông Trần Duy Hy - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân; Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit; Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây Lắp Điện I (PCC1); Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đồng Tâm (DTGG); Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.
Chia sẻ tại sự kiện này, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Câu lạc bộ Thương hiệu Việt (VBC), Chủ tịch Tập đoàn TTC đã cho biết: Những thương hiệu và doanh nghiệp của Câu lạc bộ Thương hiệu Việt tuy có thể khác nhau về quy mô, chiến lược nhưng tất cả đều có điểm chung là mục tiêu phát triển không ngừng, đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng xã hội.
Theo ông Thành, trong bối cảnh thành phố và nhiều địa phương đang ra sức giao thương, sản xuất để mau chóng phục hồi lại nền kinh tế, Câu lạc bộ tiếp tục phát huy - kêu gọi sự chung tay, quyết tâm của hội viên và doanh nghiệp vì sự bứt phá mạnh mẽ hậu đại dịch. Do đó, Câu lạc bộ đã thông qua việc thành lập Ban Chuyển đổi số như 1 sứ mệnh quan trọng trong thời gian sắp tới khi kinh tế hậu đại dịch đã và đang chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.
Được biết, VBC được thành lập ngày 17/10/2018 - là tổ chức phi lợi nhuận, tự nguyện của các cá nhân, tổ chức và các chuyên gia hoạt động kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, nhằm thường xuyên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên và cộng đồng, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh cũng như cả nước.
Năm 2021 là một năm khó khăn, thử thách cho hội viên VBC nói riêng và doanh nghiệp nói chung khi đợt dịch thứ 4 gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Việc giãn cách xã hội và thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm” đến cũng làm tăng chi phí, áp lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời điểm này VBC xem các hoạt động từ thiện và chung tay cùng cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, VBC đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong công tác phòng chống dịch Covid-19 với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng.
Theo Báo Công Thương