Điện năng lượng mặt trời - Giải pháp giúp người trồng mía chống hạn hiệu quả

Mía đường Biên Hòa - Phan Rang đã có chính sách hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để phục vụ tư...

Mía là cây trồng chủ lực của xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn và đây cũng là vùng nguyên liệu mía chính của Công ty Cổ phần mía đường Biên Hòa - Phan Rang, nhưng người trồng mía ở đây thường xuyên đối mặt với tình hình hạn hán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất và chất lượng mía. Trước thực trạng trên, Công ty Cổ phần mía đường Biên Hòa - Phan Rang đã đưa ra nhiều chính sách phù hợp, trong đó, chính sách hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để phục vụ tưới tiêu là giải pháp giúp người trồng mía xã Quảng Sơn chống hạn hiệu quả.

Anh Trịnh Văn Sơn, ở thôn Triệu Phong 2, xã Quảng Sơn là một trong những hộ trồng mía đầu tiên của xã Quảng Sơn được Công ty Cổ phần mía đường Biên Hòa - Phan Rang hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để phục vụ tưới tiêu. Anh chia sẻ: do ruộng mía ở xa, lưới điện chưa vươn tới, nên trước đây gia đình phải dùng máy chạy dầu, chi phí trên 30 triệu đồng cho 3 ha mía/vụ. Qua hơn 15 tháng sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời đã giúp gia đình anh giảm chi phí tiền dầu, chỉ cần bỏ vốn ban đầu là có thể dùng lâu dài. Việc vận hành hệ thống cũng rất dễ dàng, khi nắng lên chỉ cần bật công tắc, máy bơm sẽ đưa nước theo đường ống dẫn vào ruộng mía.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn

Đến nay, Công ty Cổ phần mía đường Biên Hòa - Phan Rang đã hỗ trợ cho người trồng mía ở xã Quảng Sơn lắp đặt 22 hệ thống điện năng lượng mặt trời để phục vụ tưới tiêu. Mỗi hệ thống gồm 30 tấm pin, có giá từ 65 - 74 triệu đồng, trong đó, Quỹ cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ một nửa chi phí, phần còn lại Công ty cho nông dân vay, không tính lãi trong 4 năm. Qua sử dụng, các hộ dân cho biết: hệ thống điện năng lượng mặt trời dễ vận hành, giúp người trồng mía tiết kiệm thời gian, chi phí và phát huy hiệu quả tốt trong điều kiện hạn hán. Quan trọng hơn là hệ thống này được bảo hành 10 năm, nhưng chỉ sau 5 năm, nông dân có thể hoàn vốn.

Nhờ có điện mặt trời giúp nông dân khởi động máy nổ, khỏi phải tốn tiền mua dầu

Xã Quảng Sơn canh tác khoảng 3.000 ha mía, mỗi năm cung cấp cho Nhà máy đường Biên Hòa - Phan Rang từ 150 – 200 ngàn tấn mía nguyên liệu

Hiện nay, nông dân xã Quảng Sơn đang canh tác khoảng 3.000 ha mía, mỗi năm cung cấp cho Nhà máy đường Biên Hòa - Phan Rang từ 150 – 200 ngàn tấn mía nguyên liệu. Đây là vùng nguyên liệu mía trọng điểm nên chính sách hỗ trợ hệ thống điện năng lượng mặt trời của Công ty Cổ phần đường Biên Hòa – Phan Rang đã giúp nông dân chống hạn hiệu quả, quan trọng hơn là hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững, tăng tính cạnh tranh và đảm bảo thu nhập cho người trồng mía ở địa phương

Tỉnh Ninh Thuận có đến 9 tháng nắng/năm, do vậy, Công ty Cổ phần mía đường Biên Hòa – Phan Rang hỗ trợ hệ thống điện năng lượng mặt trời cho người trồng mía xã Quảng Sơn phục vụ tưới tiêu là phù hợp và cần được nhân rộng./.

Theo Đài PTTH NinhThuận