Biên lãi gộp bình quân của 8 DN mía đường nội địa năm 2014 khoảng 12%, giảm mạnh so với mức 20 - 30% của năm 2...
Biên lãi gộp bình quân của 8 DN mía đường nội địa năm 2014 khoảng 12%, giảm mạnh so với mức 20 - 30% của năm 2011 trở về trước. Hiện tại, ngành mía đường dư cung 560.000 tấn và chịu sức ép cạnh tranh mạnh từ đường nhập lậu. Tuy nhiên, các DN đang nỗ lực tăng nguồn thu ngoài đường và nhập đường thô giá rẻ để luyện đường tinh.
Đường lậu quyết định giá đường nội
Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường nội địa lên hay xuống phụ thuộc vào đường nhập lậu, nên rất khó dự báo giá đường.
“Ngành đường sợ nhất là đường Thái Lan, họ có chính sách bảo hộ đường rất tốt. Ngoài hạn ngạch đường được bảo hộ và bán trong nước, DN đường Thái Lan có thể xuất lậu đường dư thừa theo dạng tiểu ngạch với giá rất rẻ. Giá đường tại nhà máy Thái Lan khoảng 8.000 đồng/kg”, ông Hải nói.
Trong khi đó, tại Việt Nam, giá đường bán tại nhà máy loại 1 đang ở mức 12.000 - 12.200 đồng/kg, mức giá giữ ổn định và cao hơn tháng 4 không đáng kể.
Thông tin từ Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến ngày 15/4, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là hơn 560.000 tấn.
Việc xuất khẩu đường của DN Việt Nam hiện nay tập trung và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đang phải cạnh tranh với đường Thái Lan và Ấn Độ do giá rẻ hơn. Hiện giá đường xuất sang Trung Quốc tại Lào Cai là 13.450 đồng/kg.
Trồng mía không có lãi khiến nhiều nông dân quay sang canh tác cây trồng khác khiến cho diện tích mía đường niên vụ 2014 - 2015 giảm 9.400 héc-ta, còn khoảng 300.000 héc-ta, sẽ tác động làm nguồn cung trong nước giảm. Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào, thuế suất trong hạn ngạch 2,5%. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cho nhập đường từ nước ngoài về được xem là “phép thử” đối với ngành mía đường Việt Nam, buộc các DN phải nỗ lực tìm giải pháp nâng cao tính cạnh tranh bằng cách tăng chất lượng, giảm giá thành, tiết giảm chi phí...
Nỗ lực giảm tồn kho, tăng nguồn thu ngoài đường
Theo báo cáo tài chính giữa niên độ 2014 - 2015 của nhiều DN mía đường, các DN đang nỗ lực giảm tồn kho để hạn chế phát sinh chi phí. CTCP Đường Ninh Hòa (NHS) đã giảm tồn kho tới 85% so với ngày 30/6/2014, xuống 54 tỷ đồng. Lãi ròng trong kỳ đạt 62 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế niên vụ 2014 - 2015 của NHS là hơn 65 tỷ đồng, cổ tức 5%.
Tương tự, CTCP Đường Biên Hòa (BHS) giảm tồn kho được 24%, xuống 639 tỷ đồng; lợi nhuận nửa đầu niên độ 2014 - 2015 đạt 36,3 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. CTCP Mía đường Thành Thành Công (SBT) giảm tồn kho 6% so với đầu niên độ, ở mức 577 tỷ đồng; lợi nhuận trong kỳ đạt gần 73 tỷ đồng.
Bên canh đó, các DN gia tăng nguồn thu ngoài đường như ethanol, điện từ bã mía… Tuy nhiên, tỷ trọng những mảng này chỉ chiếm từ 2 - 10% trong tổng doanh thu của DN.
Báo cáo phân tích của CTCK PFT cho biết, SBT, SEC, NHS, LSS đang sản xuất điện từ bã mía. Giá điện từ sinh khối sẽ tăng 35 - 40% theo Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ so với mức giá 900 đồng/kwh trước đây bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Sản xuất ethanol thực phẩm hiện có LSS và SBT đang thực hiện, với tỷ suất lợi nhuận lên đến 30%. Nhưng với SBT, nguồn thu từ ethanol sẽ đóng góp vào doanh thu từ vụ ép mía 2015 - 2016.
Tin từ LSS, nhà máy ethanol của LSS có công suất 25 triệu lít/năm, nhưng mới chỉ hoạt động ở mức 8 - 9 triệu lít/năm. Quý I/2015, nhà máy ethanol của Công ty chưa hoạt động trở lại, do đó lợi nhuận trong kỳ chỉ đạt 9 tỷ đồng so với kế hoạch là 16 tỷ đồng. LSS đặt kế hoạch lợi nhuận niên vụ 2014 - 2015 là 100 tỷ đồng, cổ tức 8%.
Hiện SBT được đánh giá là DN lớn nhất ngành đường khi thâu tóm thành công CTCP Mía đường Gia Lai (SEC). Công ty mẹ của SBT là Tập đoàn TTC đang nắm cổ phần chi phối tại BHS và BHS đang sở hữu NHS, CTCP Mía đường Phan Rang (PRS) và CTCP Mía đường 333.
Lợi thế sau M&A của SBT là Công ty có vùng nguyên liệu rộng 35.000 héc-ta bao phủ miền Đông Nam Bộ và Trung Tây Nguyên. Công suất ép mía bình quân được nâng từ 15.800 tấn mía/ngày lên 21.800 tấn mía/ngày, trở thành đơn vị có công suất ép cao nhất cả nước. Niên vụ 2014 - 2015, SBT đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 175,6 tỷ đồng, cổ tức từ 10 - 12%.
Nhập đường thô để luyện đường tinh
Các DN mía đường đang được hưởng lợi từ chênh lệch giá đường trong nước và giá thế giới khi nhập đường thô để luyện đường tinh. Niên vụ 2014 - 2015, BHS được nhập 15.000 tấn, LSS được nhập 5.000 tấn, SBT được nhập 10.000 tấn đường thô.
Dự kiến, chênh lệch giá đường khoảng 2.000 đồng/tấn sẽ đem lại cho BHS 30 tỷ đồng, LSS 10 tỷ đồng và SBT 20 tỷ đồng, những khoản tiền không nhỏ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Đặc biệt, tại BHS, tỷ lệ thu mua đường thô chiếm đến 65 - 70% tổng sản lượng đường sản xuất, giúp Công ty giảm mạnh chi phí sản xuất. BHS đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế niên độ 2014 - 2015 là 73 tỷ đồng, cổ tức 7%.
TNCK