Hậu sáp nhập, doanh nghiệp mía đường được lợi gì?

Ngành mía đường Việt Nam đã có những thương vụ sáp nhập, tái cơ cấu để hình thành các doanh nghiệp mía đường q...

Ngành mía đường Việt Nam đã có những thương vụ sáp nhập, tái cơ cấu để hình thành các doanh nghiệp mía đường quy mô lớn, hiệu quả hoạt động cao hơn.

Xu hướng sáp nhập hiện nay là giữa các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại (khoảng 1/3 số doanh nghiệp mía đường) với các doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu hơn nhưng có tiềm năng về nguồn nguyên liệu, giúp tăng năng suất, tạo lợi ích kinh tế theo quy mô.

Thêm vào đó, các công ty mía đường lớn đều có liên kết hay sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp thương mại, chuỗi giá trị sẽ dần được khép kín. Tiêu biểu như Tập đoàn TTC, ngoài các công ty sản xuất đường, tập đoàn này còn có 2 công ty thành viên khác trong lĩnh vực thương mại và bao bì.

Hai thương vụ M&A đáng chú ý trong thời gian qua là CTCP Đường Biên Hòa (BHS) sáp nhập với CTCP Đường Ninh Hòa (NHS)CTCP Mía đường TTC Tây Ninh (SBT) sáp nhập với CTCP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC).

Trong báo cáo mới nhất về ngành mía đường, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) đã đưa ra cái nhìn tổng hợp về các thương vụ sáp nhập giữa các doanh nghiệp mía đường.

BHS và NHS

Với Đường Biên Hòa (BHS), công ty sẽ khắc phục được tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu sau khi diện tích vùng nguyên liệu tăng gấp đôi lên 23.500 ha, công suất cũng tăng lên 12.500 tấn mía/ngày. Đồng thời, sáp nhập Đường Ninh Hòa (NHS) sẽ giúp BHS có thể tận dụng sản phẩm của NHS (đường RS) để làm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất đường tinh luyện chất lượng cao hơn.

Hưởng lợi từ công nghệ, dây chuyền sản xuất của BHS, NHS từ chủ yếu sản xuất đường RS có thể sản xuất các sản phẩm đường cao cấp hơn (RE). Bên cạnh đó, qua hệ thống phân phối của BHS, NHS sẽ có nhiều thuận lợi trong việc nâng cao thị phần.

SBT và SEC

Sau sáp nhập, Đường TTC Tây Ninh (SBT) sẽ trở thành doanh nghiệp mía đường có quy mô sản xuất lớn nhất nước với 25.200 ha nguồn nguyên liệu và công suất 13.000 tấn mía/ngày. Với việc tăng quy mô và tăng diện tích vùng nguyên liệu, SBT sẽ dễ dàng áp dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu từ trồng đến khi thu hoạch mía.

Với Đường Gia Lai (SEC), doanh nghiệp này vẫn còn khá nhiều dư địa để mở rộng vùng nguyên liệu tại Gia Lai – nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho cây mía. Với sự trợ giúp của SBT, SEC có thể tận dụng tốt hơn vùng nguyên liệu tiềm năng này, chữ đường có khả năng tăng từ 10 CCS lên hơn 11 CCS (CCS là hàm lượng % đường có trong mía, 10 CCS có nghĩa 10 kg mía cho ra 1 kg đường).

Theo BSC, với việc có cùng một chủ sở hữu, không tính đến các doanh nghiệp đường chưa niêm yết, BHS và SBT sau sáp nhập với NHS và SEC sẽ chiếm tới 31,8% tổng sản lượng đường trong nước, ảnh hưởng chi phối lớn tới toàn ngành.

Tuy nhiên, việc tái cơ cấu sau sáp nhập có thể giúp tăng năng lực cạnh tranh cho nhóm doanh nghiệp nội địa trước áp lực hội nhập của các Hiệp định thương mại tự do.

Ngành mía đường hiện là một trong những ngành được bảo hộ nhiều nhất với việc áp hạn ngạch nhập khẩu và thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch lên đến 80 – 100%. Việc tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan và tăng sức ép cho ngành Đường nội địa trong giai đoạn tới.

Tài Chính