Hứa hẹn những cánh đồng bội thu

Tây Ninh đang có những bước tiến vững chắc trong lĩnh vực nông nghiệp. Những cánh đồng "thẳng cánh cò bay"

Tây Ninh đang có những bước tiến vững chắc trong lĩnh vực nông nghiệp. Những dự án, cánh đồng "thẳng cánh cò bay" đã và đang hình thành, phát triển đúng hướng là một gợi ý cho địa phương triển khai nhiều chương trình, dự án lớn về nông nghiệp trong tương lai không xa.

Thu hoạch mía bằng máy tại Công ty CP mía đường Thành Thành Công Tây Ninh.

Từ ước mơ về thủ phủ rau sạch...

Tây Ninh đang từng bước xây dựng kế hoạch để biến các vùng đất nông nghiệp của tỉnh áp dụng công nghệ cao, trở thành thủ phủ rau sạch cung cấp các loại rau, củ sạch cho các địa phương lân cận, nhất là TP Hồ Chí Minh. Ước mơ đó hoàn toàn có cơ sở khi Tây Ninh là một trong những vùng đất có nguồn tài nguyên đất đai rất màu mỡ, có hệ thống tưới tiêu đầy đủ từ hồ Dầu Tiếng, thích hợp cho việc sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng rau, củ, quả nói riêng. Ðại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, nhiều đời nay, 70% đến 80% người dân của tỉnh sống bằng nghề nông. Riêng về sản lượng rau, trung bình hằng năm đạt 280.000 đến 300.000 tấn, chủng loại sản phẩm rau rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên chưa xây dựng được thương hiệu cho những đặc sản của tỉnh do tình trạng sản xuất manh mún, khó kiểm soát về quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Một số chính sách về đầu tư và quản lý sản xuất rau an toàn chưa đồng bộ, chưa chú ý khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ; mạng lưới kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Trăn trở với vấn đề này, tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến đi học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp trong nước và nước ngoài cho lãnh đạo, cán bộ nông nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang cho biết: Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Tây Ninh chọn nông nghiệp công nghệ cao là ngành kinh tế mũi nhọn nhằm tạo sự đột phá. Hướng đi của tỉnh sẽ là tìm hiểu và gỡ đầu ra trước, tức tìm kiếm thị trường rồi mới về tổ chức sản xuất. Các chuyến đi vừa qua đã đạt được kết quả rất thuận lợi từ phía đối tác, thí dụ như: Các đối tác ở Nhật Bản đã đồng ý về nguyên tắc sẽ xây dựng một nhà máy chế biến rau, củ, quả đông lạnh, hai chợ đầu mối và bảy trung tâm thu mua các sản phẩm nông nghiệp. Hay chuyến đi Mỹ của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cũng đã nhận được nguồn vốn ODA trị giá 80 triệu USD để xây dựng nhà máy đông lạnh rau, củ, quả phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các đối tác Nhật Bản trong các buổi làm việc tại tỉnh cũng đã có những cam kết về việc hỗ trợ đào tạo nhân lực, xây dựng chợ đầu mối, chuyển giao kỹ thuật,…

Giám đốc Công ty cổ phần Organic Life Lê Thành cho biết, dự án 94 ha trồng rau, củ, quả sạch của công ty đang được triển khai. Ông Thành chia sẻ: "Làm nông nghiệp công nghệ cao khó nhưng đáng để chúng ta "dấn thân". Tây Ninh là vùng đất thiên nhiên ban tặng cho những điều kiện có thể trở thành thủ phủ về nông sản sạch cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu".

Ðến những cánh đồng bội thu

Chúng tôi đến Nông trường Ninh Ðiền (xã Ninh Ðiền, huyện Châu Thành) của ông Nguyễn Quang Hợp, thấy bạt ngàn mía đang được thu hoạch. Toàn bộ hoạt động sản xuất từ khâu cày xới, xuống giống, chăm sóc, tưới nước và thu hoạch đều do sức máy thực hiện. Số lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật khoảng 40 người làm việc ở nông trường này chỉ giám sát và bấm nút điều khiển. Nông trường Ninh Ðiền thuộc Công ty TNHH Hưng Thịnh có tổng diện tích 1.500 ha, trong đó diện tích trồng mía là 1.330 ha. Ðây là nông trường lớn nhất vùng Ðông Nam Bộ, với thiết kế bài bản theo tiêu chuẩn châu Âu đạt năng suất thu hoạch cao gấp hai lần, từ 50 đến 70 tấn lên 100 đến 120 tấn/ha và cải thiện chất lượng chữ đường tăng từ 2 đến 3 CCS. Tới đây, nông trường sẽ xây dựng nhà máy đường hữu cơ và sản xuất các sản phẩm hữu cơ khác hướng đến thị trường xuất khẩu.

Tây Ninh là một trong những vùng nguyên liệu về mía đường lớn nhất ở nước ta nhưng thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn diễn ra suốt nhiều năm qua. Ðến niên vụ 2016-2017, diện tích bình quân mỗi hộ cũng chỉ mới đạt 7,3 ha. Ðể có những vùng sản xuất lớn và tập trung, niên vụ 2016-2017, Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh xây dựng chương trình cánh đồng mía lớn. Ðến nay, đơn vị này đã xây dựng được ba cánh đồng mẫu lớn tại các xã Trà Vong (huyện Tân Biên), xã Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu) và xã Long Phước (huyện Bến Cầu). Ðây là mô hình có sự tham gia liên kết của "bốn nhà". Trong năm đầu tiên, công ty đã hỗ trợ nông dân nhiều điều kiện đầu tư như: Lắp đặt hệ thống tưới béc và cày ngầm, phá bờ lô, xuống giống... Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện việc bảo hiểm lợi nhuận tối thiểu là 20 triệu đồng/ha/nông dân. Ông Ðoàn Văn Phúc, nông dân tham gia cánh đồng lớn tại xã Trà Vong phấn khởi cho biết: Trước đây, hộ chúng tôi sản xuất nhỏ lẻ cho nên gặp nhiều khó khăn trong việc cơ giới hóa, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch,… nhưng từ khi tham gia cánh đồng lớn, các hộ luôn yên tâm về đầu ra, lợi nhuận.

Tây Ninh cũng đang triển khai các dự án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa chất lượng cao (giai đoạn 2016-2018) năng suất bình quân 62 tạ/ha, lợi nhuận khoảng 13 triệu đồng/ha, mô hình nhân giống lúa xác nhận lượng giống sau khi thu hoạch cung cấp phục vụ mô hình liên kết cánh đồng lớn. Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao thực hiện theo chuỗi liên kết, sản xuất gắn với tiêu thụ đầu ra sản phẩm, bước đầu đã liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp có uy tín, chất lượng và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, lợi nhuận trong mô hình tăng hơn so với ngoài mô hình hơn ba triệu đồng/ha. Năm 2016, ngành nông nghiệp thành lập 13 tổ hợp tác sản xuất giống với tổng diện tích ba vụ là 116,2/417 ha, đạt 28% kế hoạch. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã và giống cây trồng và Dịch vụ nông nghiệp Bàu Ðồn (huyện Gò Dầu) Nguyễn Văn Nhành cho biết: "Năm 2013, toàn xã chỉ có 9 hộ tham gia hợp tác xã thí điểm cánh đồng lớn nhưng trong năm qua, số lượng đã tăng lên 24 thành viên. Tham gia cánh đồng lớn, các thành viên được bảo đảm đầu ra của sản phẩm, áp dụng các kỹ thuật sản xuất hiện đại, cơ giới hóa trên đồng ruộng… Ông Nhành dẫn chứng, trước đây khi gieo bằng tay, 1 ha thường mất 180 kg/ha nhưng khi thực hiện cơ giới hóa chỉ mất chưa tới 100 kg/ha.

Theo Báo Nhân Dân