M&A Việt Nam ngược hướng thế giới

Trong số các ngành có hoạt động M&A, xu hướng chung của thế giới là bùng nổ ở ngành y tế-chăm sóc sức khỏe còn...

Trong số các ngành có hoạt động M&A, xu hướng chung của thế giới là bùng nổ ở ngành y tế-chăm sóc sức khỏe còn ngành bất động sản thì không đáng kể trong khi ở Việt Nam, câu chuyện đang đi theo hướng ngược lại.

Xu hướng M&A của thế giới theo dự báo của KPMG

Một báo cáo của Hãng kiểm toán KPMG về xu hướng M&A năm 2015 của thế giới, dự báo sẽ có 6 nhóm ngành có hoạt động M&A sôi động nhất gồm: Chăm sóc sức khỏe-y tế, công nghệ truyền thông-viễn thông, năng lượng, hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính và sản xuất công nghiệp.

Công nghiệp chăm sóc sức khỏe và y tế được coi sẽ là nghành có hoạt động M&A bùng nổ với tỷ lệ 84% doanh nghiệp có hoạt động mua bán-sáp nhập. Trong khi đó, bất động sản được KPMG đánh giá là nhóm ngành có hoạt động M&A thấp, thậm chí không đáng kể.

So với thế giới, hoạt động M&A tại Việt Nam gần đây đang đi theo chiều ngược lại. Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe những năm gần đây luôn được xếp vào dạng “tiềm năng”. Thậm chí, chỉ có duy nhất một thương vụ M&A trong lĩnh vực y tế trong nhiều năm qua. Đó là thương vụ chuyển nhượng hệ thống Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ cho các đối tác nước ngoài với trị giá 130 triệu USD vào năm 2013.

Trong khi đó, M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam lại nở rộ, đặc biệt là những thương vụ nghìn tỷ trong năm 2015. Điển hình là Indochina Land chuyển nhượng cho Gaw Capital Partners 4 dự án với giá 106 triệu USD. Một thương vụ điển hình khác là Dự án Celadon có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu 24.758 tỷ đồng của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR)Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công được chuyển nhượng cho Gamuda Land Vietnam.

Cũng trong quý 1-2015, công ty địa ốc Nam Long công bố, hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad mua lại toàn bộ dự án Flora Anh Đào tại quận 9 với chi phí phát triển dự án khoảng 500 tỷ đồng.

Trước đó, vào đầu năm 2015, khối nội tiếp tục quan tâm mạnh đến việc mua lại các dự án BĐS tại Việt Nam. Tập đoàn Lotte đã mua 70% cổ phần để sở hữu tòa nhà cao ốc Diamond Plaza (Tp.HCM) từ một doanh nghiệp Hàn Quốc khác là Posco.

Ở phân khúc dự án, Keppel Land, một trong những nhà phát triển BĐS hàng đầu Singapore đã mở rộng danh mục dự án bằng cách mua lại dự án phát triển nhà ở của công ty Tiến Phước với giá 26,7 triệu USD. Đơn vị này cũng đã liên doanh với công ty TNHH Hà Nội Westgate đầu tư khoản 140 triệu USD vào dự án khu đô thị Hà Nội Westgate tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Tập đoàn Creed Group đến từ Nhật Bản sau khi rót 86 triệu USD vào dự án City Gate Towers tại Tp.HCM của công ty NBB, tiếp tục đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Investment tại Tp.HCM.

Ngoài ra, một loạt các dự án được các ông lớn như FLC, Hưng Thịnh mua lại để phát triển. M&A bất động sản diễn ra sôi động với tổng giá trị các thương vụ từ đầu năm lên đến tương đương 1 tỷ USD. Theo dự báo, M&A bất động sản tại Việt Nam sẽ còn bùng nổ trong thời gian tới. Điều này hoàn toàn trái ngược với xu hướng M&A thế giới, qua dự báo của KPMG.

Điểm chung của xu hướng M&A thế giới và Việt Nam, theo dự báo trong thời gian tới đều sẽ phát triển mạnh ở các nhóm ngành hàng tiêu dùng và dịch vụ tài chính.

Tin nhanh địa ốc