Ngày 16/7/2015 tại Nha Trang, Tập đoàn TTC đã tổ chức Hội thảo Thường niên Mía đường Quốc tế lần 3/201...
Ngày 16/7/2015 tại Nha Trang, Tập đoàn TTC đã tổ chức Hội thảo Thường niên Mía đường Quốc tế lần 3/2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh mía đường Việt Nam chuẩn bị hội nhập Asean”
Hội thảo thường niên Mía đường Quốc tế lần 3 thu hút sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả từ những Tập đoàn hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực mía đường hàng đầu thế giới của Brazil, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và Sri Lanka. Ngoài ra, hội thảo còn là nơi hội ngộ chia sẻ của những chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật, khoa học, đại diện của Bộ Nông Nghiệp, Bộ Công Thương, đội ngũ quản lý các nhà máy đường danh tiếng tại Việt Nam, các nông dân tiêu biểu của Việt Nam cũng như Thế giới.

Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TTC phát biểu tại hội thảo
Hội thảo lần này xoay quanh những kinh nghiệm sản xuất, mô hình thực tiễn, giải pháp của những cường quốc mía đường. Điều này không chỉ phục vụ cho ngành đường của TTC mà còn góp phần hỗ trợ cho người nông dân Việt Nam có cơ hội tiếp xúc và học hỏi những kinh nghiệm mô hình canh tác hiệu quả hiện nay trên thế giới.
Hội thảo cũng tập trung thảo luận các giải pháp, định hướng phát triển, bài học kinh nghiệm cho ngành mía đường thế giới nói chung và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam trong thời kì hội nhập sâu rộng Asean. Cụ thể, tại hội thảo mô hình cánh đồng mẫu áp dụng cơ giới hóa của Mitphol - Thái Lan được giới thiệu hay mô hình sản xuất áp dụng cơ giới hóa phối hợp John Deere từ đại diện John Deere - MeKong cũng thu hút sự quan tâm.
Theo các nội dung trình bày tại Hội thảo của các chuyên gia mía đường, ngành mía đường Việt Nam nói chung và nông dân Việt Nam nói riêng cần đầu tư mạnh hơn nữa vào công tác tưới nước và tiêu nước, chăm sóc mía, sử dụng phân bón hợp lý, quản lý cỏ dại, sâu bệnh hại mía và đầu tư cơ giới hóa trong chăm sóc và thu hoạch.

Toàn cảnh hội thảo mía đường Quốc tế lần 3
Thực tế cho thấy, áp dụng cơ giới hóa trong ngành mía đường đang nhận được sự đầu tư của các nhà quản lý, doanh nghiệp và các nước. Cụ thể, mô hình tưới Netafilm được TTC và các doanh nghiệp trong lĩnh vực mía đường tại Việt Nam và thế giới áp dụng đem lại những hiệu quả bước đầu, giúp người trồng mía ở những khu vực cách xa nguồn nước vẫn đảm bảo đủ nước tưới. Trường hợp người nông dân không có máy bón phân vùi lấp, họ có thể bón phân thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Như vậy, cơ giới hóa chính là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ của ngành mía đường ở Việt Nam mà còn ở thế giới. Những mô hình này cần được đánh giá, nhân rộng và chuyển giao đến người nông dân trồng mía.
Ngoài ra qua các tham luận, chia sẻ của các chuyên gia, nông dân tiêu biểu trên Thế giới cho thấy sự cần thiết liên kết giữa: nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và các nhà quản lý.
Đặc biệt, mô hình liên kết “4 nhà” tạo điều kiện mở rộng các vùng nguyên liệu, ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh, hội nhập sâu vào thị trường quốc tế của ngành mía đường Việt Nam.
Lãnh đạo TTC cho biết: “Hội thảo lần này là cơ hội để TTC và ngành đường Việt Nam tiếp cận những công nghệ tiên tiến và các mô hình sản xuất hiện đại trên thế giới. Từ đó chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm cho người nông dân trồng mía đem lại lợi ích cho cả người nông dân và doanh nghiệp. Sự tham gia hưởng ứng của các chuyên gia, diễn giả đến từ những cường quốc mía đường trên thế giới chính là sự ghi nhận năng lực cạnh tranh, thích ứng và phát triển trong tương lai của ngành mía đường TTC nói riêng và mía đường Việt Nam nói chung”.
Vietnamnet