TP.HCM chính thức mở rộng địa giới, hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu để hình thành một “siêu đô thị” mới là một bước ngoặt mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn đột phá trong quy hoạch lãnh thổ, phát triển kinh tế.
Đại diện cho Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tôi cảm nhận rõ niềm tin và kỳ vọng từ Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp (DN) vào mô hình đô thị liên kết vùng. Trong bối cảnh hội nhập sâu và cạnh tranh toàn cầu, việc hình thành siêu đô thị tài chính - công nghiệp công nghệ cao - kinh tế biển là bước đi quan trọng, mở ra động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM và cả nước.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Trước đây, mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng, như Bình Dương với công nghiệp và logistics hiện đại, Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ cảng biển trọng yếu và TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước. Khi được quy hoạch đồng bộ, chung định hướng phát triển, nguồn lực và cơ chế vận hành linh hoạt, chúng ta sẽ có một cấu trúc đô thị - kinh tế hoàn toàn mới, tạo ra sự cộng hưởng tích cực.

Ông Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; Phó chủ tịch Tập đoàn TTC
Chúng tôi, cộng đồng doanh nhân trẻ, đặt nhiều kỳ vọng vào một môi trường đầu tư minh bạch, hạ tầng kết nối hiện đại, cùng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được thúc đẩy một cách toàn diện. Đó chính là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt, thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế và nuôi dưỡng những “kỳ lân” mới của quốc gia.
Dưới góc nhìn của một doanh nhân, tôi cho rằng việc hình thành một “siêu đô thị” sẽ tạo ra hiệu ứng sâu rộng, về chất lượng môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh tổng thể của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thứ nhất, đây là cơ hội để giải quyết bài toán “phát triển cục bộ” - tình trạng mà mỗi địa phương đều có lợi thế riêng nhưng chưa có cơ chế phối hợp đủ mạnh để tối ưu nguồn lực vùng. Khi TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu được quy hoạch theo một định hướng chung về hạ tầng, chính sách và thị trường, chúng ta sẽ có một thực thể kinh tế đủ lớn, đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Thứ hai, DN sẽ được hưởng lợi từ tính kết nối liên vùng: Nguồn nhân lực chất lượng cao không còn bị giới hạn địa lý; vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu sẽ linh hoạt hơn; chi phí đầu vào giảm, năng suất tăng… Đây sẽ là tín hiệu rất tích cực cho nhà đầu tư.
Thứ ba, với quy mô đô thị lớn và dân số tăng mạnh, khu vực này sẽ trở thành một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, mở ra không gian phát triển đầy tiềm năng cho ngành bán lẻ, dịch vụ, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Đây là môi trường lý tưởng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quy mô lớn.
Cần rõ ràng nguyên tắc điều phối vùng
Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, cần rõ ràng về các nguyên tắc điều phối vùng: Thể chế linh hoạt, minh bạch, thống nhất về cấp phép, thuế, thủ tục, để doanh nghiệp có thể phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa không bị “lép vế” trong cuộc chơi mới, từ đó xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.
Cần khẳng định, việc mở rộng không gian đô thị sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho cộng đồng DN, doanh nhân. Với các DN, đây là cơ hội lớn để tham gia sâu vào các chuỗi giá trị liên ngành, liên tỉnh và thậm chí liên quốc gia. Về dài hạn, tôi kỳ vọng vùng đô thị mở rộng này sẽ trở thành một “siêu nền tảng” giúp các DN Việt Nam phát triển bền vững, vươn ra toàn cầu.

Tương lai không xa TP.HCM sẽ vinh dự nằm trong top 100 thành phố đáng sống nhất trên thế giới
Là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành tại Việt Nam với 46 năm hình thành và phát triển, TTC luôn định vị chiến lược tăng trưởng gắn liền với các trung tâm kinh tế năng động, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh, thành vệ tinh trọng điểm.
Việc TP.HCM mở rộng không gian đô thị và tiến tới hình thành siêu đô thị liên kết vùng chính là cơ hội để Tập đoàn TTC tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trên quy mô rộng lớn hơn.
Trong những năm gần đây, chúng tôi đã chủ động tái cấu trúc và mở rộng hệ sinh thái đầu tư theo định hướng phát triển dài hạn, tập trung vào 6 nhóm ngành then chốt: Năng lượng, nông nghiệp, bất động sản, bất động sản công nghiệp, giáo dục, du lịch. Đây đều là các lĩnh vực gắn liền với nhu cầu của một đô thị hiện đại - nơi đô thị hóa diễn ra nhanh, dân số tăng mạnh và người dân ngày càng đòi hỏi chất lượng sống cao hơn.
Tôi luôn tin rằng, mỗi giai đoạn phát triển của đất nước đều cần một thế hệ doanh nhân mang trong mình khát vọng và tinh thần tiên phong. Việc hình thành siêu đô thị TP.HCM mở rộng chính là lời hiệu triệu mạnh mẽ để đội ngũ doanh nhân, DN cùng chung sức đồng lòng với Đảng, Nhà nước kiến tạo một thành phố đáng sống, đáng đầu tư và đáng tự hào.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tôi cam kết tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nhân cả nước, đặc biệt là thế hệ doanh nhân trẻ; cam kết đồng hành với sự phát triển của TP.HCM, xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, năng động, kết nối liên vùng và nuôi dưỡng khát vọng đổi mới sáng tạo để trong tương lai không xa TP.HCM sẽ vinh dự nằm trong top 100 thành phố đáng sống nhất trên thế giới.
(*) Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; Phó chủ tịch Tập đoàn TTC
Theo Doanh nhân Sài Gòn