Doanh nghiệp mía đường với mục tiêu phát triển gắn liền lợi ích nông dân

Với quan điểm “Nông dân có lời – Nhà máy có lãi”, TTCS chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp Nông nghiệp –...

Với quan điểm “Nông dân có lời – Nhà máy có lãi”, TTCS đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp về Nông nghiệp – Sản xuất bằng việc kết hợp biện pháp khoa hoạc kỹ thuật tiên tiến với các chính sách hỗ trợ linh hoạt, đồng hành cùng người dân trồng mía

TTCS tích cực áp dụng các chính sách đồng hành với người nông dân để bà con tiếp cận với công nghệ tiên tiến

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Tây Ninh, vụ chế biến mía đường 2015-2016 đến nay còn khoảng hơn 20 ngày nữa là kết thúc, hiện tại các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn cao điểm thu mua mía và tiến hành đo chữ đường.

Là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích trồng mía, Tây Ninh hiện đang có 3 nhà máy công suất lớn, trong đó dẫn đầu là nhà máy đường thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) với công suất đạt 9.500 tấn mía/ngày.

Với phương châm phát triển bền vững và quan điểm “Nông dân có lời – Nhà máy có lãi”, TTCS đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp về Nông nghiệp – Sản xuất bằng việc kết hợp biện pháp khoa hoạc kỹ thuật tiên tiến với các chính sách hỗ trợ linh hoạt, đồng hành cùng người dân trồng mía.

TTCS tích cực áp dụng các chính sách đồng hành với người nông dân để bà con tiếp cận với công nghệ tiên tiến.

Với định hướng sản xuất đường sạch, bên cạnh việc quyết liệt triển khai các giải pháp nghiên cứu cải tiến mía giống, đầu tư cơ giới hóa xuyên suốt quá trình canh tác – tưới tiêu – thu hoạch, phát triển các sản phẩm phụ như cồn và mật rỉ nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, TTCS đã tích cực áp dụng các chính sách đồng hành với người nông dân, tạo điều kiện để bà con tiếp cận với các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến.

Cụ thể như đầu tư không hoàn lại với định mức 2 triệu đồng/ha cho việc hạ bình điện phục vụ tưới mía, kéo đường điện phục vụ tưới với định mức 7 triệu đồng/ha trên diện tích hưởng lợi của công trình; ứng vốn thâm canh phục vụ tưới mía tối đa 8 triệu đồng/ha, hỗ trợ gần như toàn bộ giá trị của hệ thống tưới béc khoảng 15 triệu đồng/ha, đầu tư cây giống, phân bón, máy móc thiết bị,… Với tổng số 3.300 hộ gia đình và khoảng 10.000 lao động đang hợp tác, tổng chi phí hỗ trợ không hoàn lại của TTCS trung bình đạt 20 tỷ đồng mỗi năm.

Vụ thu hoạch 2015 – 2016, sản lượng lẫn diện tích mía bị cháy vụ này của TTCS giảm đáng kể sovới vụ trước, tỷ lệ mía cháy chiếm 8% trên tổng lượng mía tiếp nhận (so với 15,2% của vụ 2013 – 2014 và 10,2% của vụ 2014 – 2015). Kết quả này đến từ nỗ lưc của TTCS trong việc điều phối và bố trí lịch thu hoạch hợp lý, phối hợp với chính quyền địa phương tuần tra phòng chống mía cháy, trang bị thiết bị chữa cháy để bà con yên tâm canh tác. Vụ mùa 2015- 2016, TTCS huy động tối đa nguồn lực tập trung vào công tác thu mua mía cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã tiến hành thu mua gần 900.000 tấn mía, dự kiến thực hiện đến cuối vụ 920.000 tấn, tăng khoảng 40.000 tấn so với vụ thu hoạch 2014-2015 (884.000 tấn), năng suất mía bình quân 75 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 9,3.

Theo chia sẻ của ông Trương Văn Sơn, người đã có hơn 20 năm gắn bó với nhà máy đường TTCS, gia đình ông có hơn 15 ha mía nguyên liệu, năng suất vụ 2015 – 2016 đạt trên 100 tấn/ha, cao hơn vụ mùa trước với chữ đường hơn 10 CCS, trung bình mỗi ha canh tác lãi hơn 40 triệu đồng. Đây cũng là cơ sở để ông cũng như nhiều hộ nông dân tiếp tục yên tâm gắn bó với cây mía và nhà máy.

Về việc tiếp nhận tiêu thụ mía của tinh Long An, ngày 10/08/2015 vừa qua, trước tình hình khó khăn trong khâu tiêu thụ mía của nông dân tại Long An, UBND tỉnh đã có văn bản thông báo về việc tiêu thụ mía tại khu vực Bến Lức. Theo đó, TTCS đã ký hợp đồng đầu tư 3.500 ha tại khu vực này với trách nhiệm thu hồi mía tương tự với hợp đồng đầu tư tại Tây Ninh. Đồng thời Công ty tiến hành điều phối lượng mía tiếp nhận trong ngày luôn ở mức tối thiểu 90% là lượng mía tại Tây Ninh nhằm đảm bảo hiệu quả thu mua cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh

Cùng với sự quan tâm sâu sát, hỗ trợ tận tình của các Sở ban ngành, và sự tin tưởng ủng hộ của người dân trồng mía trên địa bàn tỉnh, TTCS đã và đang nỗ lực kiện toàn hoạt động trên mọi phương diện, nhằm đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi của người dân trồng mía, góp phần gia tăng thu nhập, đảm bảo chất lượng đời sống để bà con yên tâm gắn bó với mục tiêu phát triển bền vững của Công ty

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, niên vụ 2015 - 2016 tổng diện tích mía trồng của tỉnh chỉ đạt gần 10.000 ha, giảm trên 7.000 ha (tức giảm khoảng 40% tổng diện tích mía) so với niên vụ trước. Trước thực trạng này, TTCS đã chủ động triển khai các biện pháp giữ vững vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng và chữ đường của mía nguyên liệu, phối hợp và hỗ trợ người dân trồng mía trong việc cân đối thời điểm thu mua, đo chữ đường để đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi người nông dân.

Cụ thể, ngày 01/11/2015, TTCS đã chính thức ban hành Thông báo 01/TM/15-16 về chính sách thu mua vụ thu hoạch 2015-2016; theo đó, giá cố định cho mía có hàm lượng 10 chữ đường là 970.000 đồng/tấn, nhà máy hỗ trợ thu hoạch đầu vụ (đến 31/12/2015) thêm 70.000 đồng/tấn; nâng bảo hiểm chữ đường từ 8 chữ lên 8,5 chữ. Kể từ 1/1/2016 đến hết vụ mía, chữ đường sẽ được bảo hiểm lên 9 chữ.

Nhằm khuyến khích bà con chủ động thu hoạch để đảm bảo chất lượng mía nguyên liệu, TTCS áp dụng mức thưởng đối với mía sạch, chữ đường cao với mức tối đa 30.000 đồng tấn. Ngày 3/12/2015, TTCS đã tổ chức cho nông dân đến nhà máy để tham quan, khảo sát thực tế từng công đoạn lấy mẫu thử chữ đường và tạp chất của công ty. Khách hàng được chứng kiến tận mắt xuyên suốt các quy trình, từ khi tiếp nhận mẫu đến khi có kết quả, tất cả đều thống nhất với phương thức mà TTCS đang thực hiện.

Đơn vị phụ trách kiểm định việc đánh giá tạp chất và chữ đường của TTCS là Trung tâm 2 của Nhà nước kiểm định thiết bị đo chữ đường và tạp chất của TTCS hằng năm, trước vụ thu hoạch.

TTCS cũng là một trong số các đơn vị tiên phong tại Đông Nam Bộ trong việc ký hợp đồng bảo hiểm chữ đường và giá thu mía với người nông dân ngay từ đầu mùa vụ.

Vụ thu hoạch 2015-2016, thực hiện theo sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh về việc giao cho Sở NN&PTNT tỉnh nâng cao tần suất lấy mẫu thử chữ đường, Chi cục Đo lường chất lượng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh phối hợp kiểm tra cùng Hội Người trồng mía (HNTM) tỉnh Tây Ninh, từ đầu vụ thu hoạch 2015-2016 đến nay đã tiến hành lấy 240 mẫu thử qua 16 lần thực hiện.

Cũng theo đó, để đảm bảo tính chính xác và khách quan của kết quả đo chữ đường, TTCS cung cấp mẫu thử trong các trường hợp có sự giám sát và chứng kiến của đại diện cơ quan chức năng. Cụ thể, khi cán bộ Sở NN&PTNT Tây Ninh lấy mẫu nước mía, các mẫu thử được chia làm hai phần do nhà máy và đại diện Sở NN&PTNT lưu giữ, và Sở có trách nhiệm cung cấp các mẫu thử của TTCS cho đại diện HNTM Tây Ninh để tiến hành đo lường.

Kết quả đo CCS do Sở NN&PTNT tiến hành tại Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 có giá trị pháp lý, và kết quả do HNTM thực hiện mang tính chất tham khảo do đơn vị này không có chức năng đo kiểm chữ đường, đồng thời hệ thống thiết bị của Hội chưa được xác định chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Trước tác động của các yếu tố khách quan gây ảnh hưởng đến chữ đường như sự chênh lệch về điều kiện thổ nhưỡng, kỹ thuật đốn chặt của nhân công, quá trình vận chuyển và lưu bãi ở các xe mía…, nhằm đảm bảo tính chính xác và khách quan của kết quả đo chữ đường, TTCS tiến hành thực hiện phương thức lấy mẫu đánh giá chữ đường bằng dàn khoan tự động, hoàn toàn ngẫu nhiên để bảo đảm tính khách quan cao nhất của mẫu đại diện. Đây là phương thức được áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu QCVN01-98:2012/BNNPTNT ban hành cho ngành đường Việt Nam

Nông Nghiệp VN