Nhiều trường đại học ngoài công lập có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, trong đó có những cái tên được doanh nghiệp tư nhân, gồm cả doanh nghiệp niêm yết hậu thuẫn.
Giữa tháng 5, HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) thông qua việc góp 110 tỷ đồng vào Trường đại học Hùng Vương TPHCM (DHV) để nắm 51.79% vốn, đưa trường đại học 30 tuổi này vào danh sách công ty con.
Đại học ngoài công lập và cuộc chơi ngàn tỷ
Theo số liệu báo cáo "3 công khai" được chính các trường đại học công bố cho năm học 2023-2024, top 10 trường có doanh thu năm 2023 lớn nhất đều có quy mô ngàn tỷ đồng.
Dẫn đầu là 3 ngôi trường doanh thu trên 2 ngàn tỷ đồng, gồm Trường đại học FPT hơn 2,918 tỷ đồng, Trường đại học Văn Lang (VLU) 2,286 tỷ đồng, và trường công lập Đại học Bách khoa Hà Nội 2,137 tỷ đồng.
Nguồn thu của các trường đa phần từ học phí, còn lại từ Ngân sách Nhà nước (đối với các trường công lập), nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Nguồn: Người viết tổng hợp

Nhiều “ông chủ” hiện diện trên sàn chứng khoán
Dẫn đầu doanh thu, Trường đại học FPT thuộc sở hữu của Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) thành lập từ năm 2006, VLU thuộc Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, Trường đại học Nguyễn Tất Thành (NTT) từ lâu đồng hành cùng CTCP Dệt may Sài Gòn, hay Trường đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Phát triển Giáo dục Hutech.
Trên sàn chứng khoán, số lượng doanh nghiệp trực tiếp sở hữu trường đại học có thể kể đến như Tập đoàn VINGROUP - CTCP (HOSE: VIC) sở hữu Vin University (VinUni); Tập đoàn FPT sở hữu Trường đại học FPT; Tập đoàn TTC - đơn vị sở hữu TTC AgriS (HOSE: SBT), TTC Hospitality (HOSE: VNG) - đầu tư vào Trường đại học Yersin Đà Lạt (YersinUni), CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (UPCoM: ITA) gắn liền với hình ảnh Trường đại học Tân Tạo.
Hay trường hợp mới nhất là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) đầu tư 110 tỷ đồng để sở hữu 51.79% vốn Trường đại học Hùng Vương TPHCM (DHV). Không chỉ đại học, các doanh nghiệp còn đầu tư một hệ thống giáo dục trải khắp các cấp học.
Mặt khác, có trường đại học đầu tư vào doanh nghiệp niêm yết, như Trường đại học Văn Hiến là cổ đông lớn nắm 8.7% vốn (thời điểm 31/3/2025) của CTCP Nông nghiệp Hùng Hậu (HNX: SJ1) - thành viên thuộc Hùng Hậu Holdings. Hay doanh nghiệp thoái vốn khoản đầu tư giáo dục như Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HOSE: HDB) thoái khoản vốn đầu tư vào Trường đại học Hòa Bình vào năm 2024.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết sở hữu trường đại học
Hoạt động đầu tư vào trường được các doanh nghiệp hay lãnh đạo đặt nhiều kỳ vọng. Tại VinUni, Vingroup gần đây quyết định tiếp tục đầu tư đến 9,300 tỷ đồng trong năm 2025 và quyết tâm lọt vào top 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Doanh thu của VinUni cũng tăng trưởng mạnh trong các năm qua, đạt gần 70 tỷ đồng trong năm 2020, gần 106 tỷ đồng năm 2021 và hơn 177 tỷ đồng năm 2022.
Ở thương vụ KBC đầu tư vào DHV, ông Đặng Thành Tâm được Thành ủy TPHCM mời làm nhà bảo trợ cho nhà trường. Tình hình kinh doanh của DHV có sự tăng trưởng những năm qua, doanh thu lần lượt gần 41 tỷ đồng trong năm 2021, hơn 43 tỷ đồng năm 2022 và hơn 55 tỷ đồng năm 2023.
Hay với Trường đại học Tân Tạo thuộc ITA của bà Đặng Thị Hoàng Yến - chị gái ông Tâm - cũng ghi nhận sự tăng trưởng. Doanh thu năm 2022 đạt hơn 95 tỷ đồng, tăng gần 70% so với năm 2021.
Năm 2022, Trường đại học Tân Tạo cũng đã tăng trưởng chỉ số tuyển sinh thêm 60% so với năm 2021. Sau đó tiếp tục tăng chỉ tiêu thêm 18% trong năm 2023, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh của Trường.
Ngày 15/6, YersinUni khởi công xây dựng khối phòng học mới A1, A2 trong khuôn viên trường, phục vụ cho nhóm ngành sức khỏe, công nghệ, sau đại học, hệ thống các phòng học lý thuyết, giảng đường lớn, khu vực tuyển sinh… Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2026-2027. Thời điểm Tập đoàn TTC mua lại YersinUni vào năm 2022, Chủ tịch Đặng Văn Thành cho biết, sở dĩ chọn YersinUni để phát triển mảng giáo dục vì Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu rất mát mẻ, ôn hòa… thích hợp làm nơi để học tập và trau dồi kiến thức. Đồng thời, TTC sẽ mở rộng các trường đại học tại các tỉnh thành khác trên cả nước.
Ngoài sàn chứng khoán, hàng loạt doanh nghiệp cũng đã và đang đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Tập đoàn Nguyễn Hoàng sở hữu hàng loạt trường đại học như Quốc tế Hồng Bàng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Định, Hoa Sen, Công nghệ Miền Đông; Hùng Hậu Holdings sở hữu Trường đại học Văn Hiến; CTCP Đầu tư Phát triển Giáo dục Hutech sở hữu Trường đại học Công nghệ TPHCM và mua lại Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM; Tập đoàn Giáo dục Văn Lang sở hữu Trường đại học Văn Lang và Trường đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương; CTCP Phượng Hoàng xanh A&A (Tập đoàn Phenikaa) - công ty mẹ của CTCP Vicostone (HNX: VCS) - sở hữu Đại học Phenikaa.
Nghị quyết 68 mở ra cơ hội lớn cho giáo dục ngoài công lập
Nguồn thu lớn là minh chứng cho sức hút không hề kém cạnh của các trường đại học ngoài công lập, thể hiện vai trò trong hệ thống giáo dục đại học, bên cạnh các cơ sở công lập.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm 2023, cả nước có 243 trường đại học, trong đó gồm 176 trường công lập và 67 trường ngoài công lập. So với 10 năm trước, số lượng tăng lên đáng kể. Nhưng có một thực tế rằng, giai đoạn bùng nổ số lượng đã qua đi.

Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tuy nhiên, bức tranh ngành giáo dục có thể sớm chứng kiến sự bùng nổ trở lại của các trường ngoài công lập, sau sự xuất hiện của Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong năm 2025, Nhà nước sẽ rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo môi trường chính sách thông thoáng, minh bạch, qua đó thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân nói chung và lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Nghị quyết khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm, thúc đẩy liên kết đào tạo quốc tế và chuyển giao chương trình tiên tiến. Đồng thời, khuyến khích đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cho phép tính chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo động lực để doanh nghiệp tư nhân thành lập hoặc hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trên thực tế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục có thể cung cấp nguồn nhân lực tương đương cơ sở công lập mà không cần đến sự đầu tư từ Ngân sách Nhà nước, đồng thời còn đóng góp thuế và giải quyết việc làm. Điều này cho thấy hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét, phù hợp với chủ trương phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân.
Có thể trong tương lai, các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói chung và trường đại học ngoài công lập nói riêng, có nhiều cơ hội để phát triển về cả số lượng lẫn quy mô, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cũng như đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Nhưng khi đó, bản thân các trường ngoài công lập, hay cụ thể hơn là các doanh nghiệp sở hữu cũng phải rất nỗ lực, bởi bối cảnh cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt khi “cuộc chơi” đã “mở” hơn.
Theo Tài chính và cuộc sống