Ông chủ mía đường trăn trở cùng nông dân

Mía đường là một trong năm lĩnh vực đầu tư trọng điểm của Tập đoàn TTC với 8 Cty, tổng diện tích vùng nguyên l...

Mía đường là một trong năm lĩnh vực đầu tư trọng điểm của Tập đoàn TTC với 8 Cty, tổng diện tích vùng nguyên liệu gần 50.000ha. Xác định vai trò then chốt của người nông dân trong chuỗi giá trị ngành mía đường

Chủ tịch Tập đoàn TTC nói chuyện với cán bộ các Cty đường tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Mía là cây trồng chủ lực của tỉnh Khánh Hòa với hơn 15.000ha. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy đường với sản lượng chế biến khoảng 1.000.000 tấn mía nguyên liệu/năm, trong đó Cty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS-NH) đạt 5.200 tấn mía/ngày, dự kiến niên vụ 2017 – 2018 đạt 6.000 tấn mía/ngày. Đây cũng là một trong số các đơn vị chủ lực của Tập đoàn TTC.

Ngày 15/7, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC đã có buổi gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên Khối Nông nghiệp đến từ 3 Cty thành viên gồm Cty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa, Cty CP Đường Biên Hòa Phan Rang và Cty TNHH MTV Thành Thành Công.

Buổi chia sẻ có chủ đề “Trách nhiệm của chúng ta là làm giàu cho nông dân”. Khởi nghiệp và gắn bó với ngành mía đường hơn 36 năm, ông Đặng Văn Thành luôn dành nhiều tâm huyết cho cây mía cũng như đời sống của người nông dân gắn bó với cây mía.

Ông Thành đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, những trăn trở của mình cũng như những định hướng và chiến lược lớn của Tập đoàn TTC trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, cải thiện đời sống người lao động tại địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam.

Mía đường là một trong năm lĩnh vực đầu tư trọng điểm của Tập đoàn TTC với 8 Cty, tổng diện tích vùng nguyên liệu gần 50.000ha. Xác định vai trò then chốt của người nông dân trong chuỗi giá trị ngành mía đường, TTC cùng các công ty thành viên luôn tập trung các nguồn lực nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho người nông dân. Phương châm “Nông dân có lời - Nhà máy có lãi” là tiêu chí chính của TTC

Với chính sách đào tạo nhân sự riêng có của người sáng lập, TTC hiện đang sở hữu đội ngũ nhân sự cấp cao giàu năng lực và kinh nghiệm, một trong số đó là ông Trầm Kim Dũng, TGĐ BHS-NH, người đã có hơn 10 năm gắn bó với Tập đoàn.

BHS-NH luôn xem phát triển đội ngũ nhân lực là giải pháp trọng tâm trong chiến lược phát triển doanh nghiệp. Một đội ngũ nhân lực kế cận trẻ tuổi, giàu nhiệt huyết, sáng tạo cũng như thấm nhuần văn hóa doanh nghiệp và sứ mệnh hoạt động của TTC là chìa khóa thành công và nâng cao năng lực cạnh tranh của các đơn vị.

Cách đây 10 năm, Việt Nam là một nước nhập khẩu đường, nhưng đến nay đã dần tự cung tự cấp, từng bước phát triển tiến tới xuất khẩu đường trong vòng 3 năm trở lại đây. Ngành đường Việt Nam nói chung và BHS-NH nói riêng đã có nhiều bước chuyển mình, song đang đối diện với không ít thách thức, khó khăn đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.

Tuy nhiên đây cũng là động lực và cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định tiềm lực và triển vọng tăng trưởng, giữ vững thị phần và mở rộng quy mô bằng việc tiết giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Ông Thành nhấn mạnh: “Mía đường TTC đã có những thành tựu nhất định nhưng không được chủ quan vì sắp tới môi trường cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Đến năm 2020, năng suất mía BHS-NH bắt buộc phải đạt tối thiểu 70 tấn/ha; trong đó mía nông trường phải đạt từ 75 tấn/ha, thì chúng ta mới có thể cạnh tranh được với các nước”.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cần tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm gồm:

- Đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững. Quy hoạch sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn từ 50ha, canh tác sản xuất tập trung trên diện rộng.

- Tăng cường áp dụng cơ giới hóa, đặc biệt là cơ giới nặng; áp dụng từ khâu làm đất, trồng mía, chăm sóc tới khi thu hoạch, giảm thiểu lao động thủ công để nâng cao hiệu quả công việc và tiết giảm chi phí sản xuất nguyên liệu.

- Xây dựng đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, cơ cấu giống hợp lý; khảo nghiệm, tuyển chọn giống mía năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh và phù hợp với điều kiện từng vùng. Hiện Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công đang tiến hành khảo nghiệm 30 giống nhập nội, sắp tới sẽ đưa các giống mới ra vùng nguyên liệu.

- Chú trọng tưới mía, mục tiêu 100% diện tích trồng mía đều được tưới, ưu tiên các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, nâng cao tính chủ động ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

- Xây dựng chính sách đầu tư phù hợp, kịp thời cho bà con nông dân; điều phối lịch thu hoạch hợp lý, giảm thiểu thất thoát nhằm củng cố niềm tin và tăng sự gắn bó giữa người nông dân và doanh nghiệp.

- Tổ chức sản xuất theo quy trình khép kín với quy chuẩn ISO, tạo ra sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh chương trình “Người địa phương dùng hàng địa phương”, phân phối sản phẩm đến 63 tỉnh thành trong nước, hướng tới các thị trường quốc tế.

Với tầm nhìn chiến lược của mình, những gói giải pháp thiết thực của ông được kì vọng sẽ mang lại lợi nhuận cho người nông dân trồng mía, từ đó vừa tăng cường hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, vừa giúp gia tăng giá trị kinh tế cho cây mía, làm giàu cho bà con nông dân, từng bước tăng năng lực cạnh tranh của ngành mía đường.

Nhằm triển khai xuyên suốt những định hướng của Tập đoàn, ông Trầm Kim Dũng, TGĐ BHS-NH khẳng định, các niên vụ vừa qua, BHS-NH đã tăng cường hỗ trợ người dân sản xuất thông qua các chính sách bao tiêu sản phẩm, chuyển giao kĩ thuật, tài trợ cây giống, phân bón, trang thiết bị… Mức hỗ trợ này sẽ tiếp tục được củng cố trong các mùa vụ tới, cùng với hiệu quả từ việc ứng dụng KH-CN hiện đại sẽ góp phần gia tăng năng suất, chất lượng mía, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy, ổn định thu nhập để bà con nông dân gắn bó lâu dài với cây mía, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng bền vững của ngành đường

Theo Nông nghiệp Việt Nam